10 câu hỏi nên đặt trước khi mua 1 cổ phiếu

Một lời khuyên mà mọi người vẫn thường nhận được là hãy nên làm việc nhà trước khi ném những đồng tiền đã vất vả kiếm được vào cổ phiếu của một công ty.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người vẫn không làm như vậy. “Có một bộ phận nhà đầu tư là những người tuyệt đối không thận trọng suy xét trước các quyết định đầu tư cổ phiếu của mình”, Brad Barber, Giáo sư Đại học California Davis, cho biết. Giáo sư Barber cũng là đồng tác giả của công trình nghiên cứu: Ảnh hưởng của sự chú ý và tin tức đến hành vi mua của các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. “Các nhà đầu tư cá nhân chủ yếu mua cổ phiếu dựa trên các tin tức cả tốt lẫn xấu”, ông nói.
Các đợt lao dốc của thị trường chứng khoán đã dạy chúng ta rằng, lối đầu tư theo kiểu “vô tư” sớm muộn cũng sẽ thất bại. Bởi vậy, các nhà đầu tư có lẽ nên học lại bài học đó trước khi thị trường bước vào chu kỳ điều chỉnh tiếp theo. Trên tinh thần thận trọng đó, nhà đầu tư nên trả lời 10 câu hỏi dưới đây trước khi quyết định mua một cổ phiếu.
Một vài trong số các câu hỏi này có thể nhàm chán với các nhà đầu tư dày dạn. Và, dĩ nhiên, việc biết được tất cả các câu trả lời không đảm bảo cho một thành công. Tuy nhiên, về lâu dài, với mỗi câu trả lời tốt hơn, nhà đầu tư sẽ có xác suất thành công cao hơn.
1. Công ty đó làm gì?
Warren Buffet từng có câu nói nổi tiếng rằng, ông không bao giờ đầu tư vào những gì mà ông không hiểu. Nếu như nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới trong 60 năm qua đủ tao nhã để thừa nhận rằng ông không hiểu tất cả các công ty thì chắc chắn một vài trong số đó cũng được ông tường tận. Câu hỏi cơ bản đầu tiên này là một câu hỏi đơn giản, nhưng không có nghĩa là dễ dàng. Để trả lời câu hỏi này, bạn sẽ phải lục lọi rất nhiều nguồn thông tin, trong đó có website của công ty mà bạn đang nhòm ngó.
2. Công ty đó có khả năng sinh lời hay không?
Đây cũng là một câu hỏi đơn giản, nhưng có thể được làm cho phức tạp hơn bằng cách xem xét tất cả các biến số liên quan đến thu nhập của một công ty. Các nhà đầu tư có thể đọc các báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý và hàng năm để kiểm tra xe thu nhập ròng của công ty mục tiêu là bao nhiêu, theo số tổng và trên mỗi cổ phần.
Trường hợp công ty Tyco (Thụy Sỹ) và rất nhiều vụ bê bối trong quá khứ đã minh chứng rất rõ rằng, các kết quả kinh doanh được báo cáo không luôn luôn đúng sự thật. Tuy nhiên, dưới đây, bài viết sẽ đưa ra một số dấu hiệu cảnh báo của một báo cáo không đáng tin cậy.
3. Lịch sử và triển vọng kinh doanh của công ty đó thế nào?
Một sự rà soát nhanh các tin tức và báo cáo kết quả kinh doanh trong quá khứ của công ty mục tiêu sẽ giúp trả lời câu hỏi này. Công ty đó có một lịch sử tăng trưởng lợi nhuận ổn định hay không? Mức độ biến động của lợi nhuận thế nào? Nên nhớ rằng, tất cả các loài cây đều không mặc thẳng lên thiên đàng. Nếu đó là một công ty công nghệ trưởng thành thì liệu nó có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ như thời “mới lớn” hay không?
4. Cổ phiếu của công ty đó được định giá ra sao?
Thật tuyệt vời khi tìm được một công ty mà lợi nhuận của nó đang tăng trưởng theo cấp số mũ. Nhưng khía cạnh khác của câu hỏi này là giá trị mà thị trường trả cho sự tăng trưởng đó và triển vọng trong tương lai của nó. Có vài phương pháp cơ bản để xác định mức định giá của một công ty như: thị giá trên lợi nhuận (P/E), thị giá trên doanh thu… Những con số này có thể dễ dàng tìm thấy trên Yahoo! và rất nhiều trang mạng khác.
5. Đối thủ cạnh tranh của công ty đó là ai?
Các công ty không hoạt động trong chân không. Với mọi công ty sản xuất đồ uống có gas, Pepsi hay CocaCola đều là một đối thủ nặng ký. Các công ty này luôn cố gắng giành giật thị phần của nhau.
Nhà đầu tư nên biết công ty mà mình định đầu tư đang đứng ở đâu trên thị trường. Đó có phải là công ty có thị phần lớn nhất trong lĩnh vực mà nó kinh doanh hay không? Có phải công ty đó tuy nhỏ nhưng đang dần trở thành một “tay chơi số má” trên thương trường? Lĩnh vực của công ty đó có bị chi phối bởi một công ty nào đó hay được phân mảnh mà không một công ty nào chiếm thị phần quá 10%?
Nhà đầu tư cũng nên để ý đến các đối thủ cạnh tranh nước ngoài của công ty mục tiêu, khi cạnh tranh về giá có thể gây áp lực nên biên lợi nhuận của công ty.
6. Ai vận hành công ty đó?
Không như các nhà quản lý tiền chuyên nghiệp, các nhà đầu tư cá nhân không có khả năng gặp mặt các lãnh đạo của một công ty và nói chuyện với họ về phương thức quản lý trước khi ra một quyết định đầu tư. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không có rất nhiều cách để tìm hiểu về lãnh đạo của công ty đó. Bất kỳ công ty đáng để đầu tư nào cũng phải có một trang web, trong đó liệt kê các quản lý cao cấp của mình, thời gian mà họ đã gắn bó với công ty, thông tin cơ bản về họ và lịch sử của công ty.
Nếu ban điều hành liên tục thay đổi, đó không phải là một dấu hiệu tích cực đối với sự ổn định của công ty. Ngoài những thông tin từ chính công ty về ban điều hành, nhà đầu tư cũng nên tìm thêm các bài viết từ bên ngoài về họ.
7. Bảng cân đối của công ty đó sạch cỡ nào?
Các nhà đầu tư dài hạn cần đọc được bản cân đối của công ty mục tiêu. Công ty đó có vác trên vai một đống nợ so với lợi nhuận hay không? Chỉ kiểm tra lợi nhuận thôi thì không nói nên việc công ty có vay mượn để đạt được lợi nhuận đó hay không. Cũng sẽ hữu ích nếu xem xem công ty đó chi bao nhiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, mức độ tồn kho (nếu nó tăng lên từ năm trước thì điều đó có nghĩa là hoạt động kinh doanh của công ty đang chậm lại). Điều này đưa chúng ta đến với câu hỏi số 8.
8. Bạn đã đọc các báo cáo tài chính chi tiết của công ty đó chưa?
Với nhiều thị trường chứng khoán, chẳng hạn như Thị trường Chứng khoán Mỹ, ủy ban chứng khoán yêu cầu các công ty đại chúng công bố định kỳ báo cáo chi tiết về mọi mặt hoạt động của công ty đó. Ở Mỹ, chúng được gọi là báo cáo 10-K (hàng năm) và 10-Q (hàng quý). Các báo cáo này thường chứa đựng nhiều thông tin sát thực hơn các báo cáo thường niên màu hồng. Các báo cáo chi tiết và trung thực là cực kỳ quan trọng với các nhà đầu tư nghiêm túc.
Ít nhất, bạn cũng nên đọc các báo cáo được công bố gần đây nhất. Nếu việc này ngốn quá nhiều thời gian ở nhà của bạn, có lẽ tốt hơn là bạn đừng đầu tư vào một cổ phiếu riêng lẻ nào mà nên chọn một quỹ chỉ số có phí thấp để gửi tiền.
9. Có dấu hiệu đáng ngờ nào để đặt câu hỏi về sự trung thực của công ty đó hay không?
Một lần nữa, các báo tài chính chi tiết sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này. Trước hết, mọi công ty cần trình bày chi tiết về các nhân tố rủi ro có thể hủy hoại triển vọng của công ty. Thứ hai, công ty cần giải thích rõ về các phương pháp hạch toán và các giả định hoạt động trên các vấn đề từ tỷ lệ giảm giá tài sản đến tỷ lệ tăng trưởng. Những điều này sẽ cho bạn một nhìn nhận rằng, công ty đó có quá lạc quan hay không.
10. Vị thế cạnh tranh của công ty đó có vững chắc hay không?
Các nhà đầu tư vào tất cả các cổ phiếu cần trả lời được câu hỏi này, mặc dù các nhà đầu tư lướt sóng có thể không cần trả lời. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nghiêm túc và dài hạn cần trả lời 10 câu hỏi trên trước khi mua một cổ phiếu.
Thực sự thì đây không phải là các câu hỏi duy nhất mà một nhà đầu tư cần trả lời, chúng chỉ là một điểm khởi đầu. Có hàng tá câu hỏi khác có thể được đặt ra với công ty đó cũng như ngành nghề của nó mà bạn không nên lảng tránh trả lời.
Cuối cùng, các câu hỏi trên cần được rà lại sau khi bạn đã bỏ tiền mua cổ phiếu, để chắc chắn rằng, các câu trả lời vẫn còn giá trị.
                                                                                                                                                              (Theo tinnhanhchungkhoan.vn)

Bình luận

    Góc nhìn VIC khác