Nhà quản lý (Management)
Hãy nhớ là chúng ta đang tìm mua một công ty tuyệt vời. Sau khi tìm hiểu những gì mình thích, những gì chúng ta am hiểu sâu sắc hay nói tóm lại khi sở hữu công ty này chúng ta cảm thấy thoải mái và tự tin. Lợi thế cạnh tranh là một yếu tố rất quan trọng trong quá trình hình thành đến quyết định mua một công ty xuất sắc, không có lợi thế cạnh tranh bạn sẽ không có được sự khác biệt so với đối thủ và ít có khả năng tạo ra sự thành công vang dội. Rất nhiều công ty có lợi thế cạnh tranh trong một khoảng thời gian nhưng dần bị giảm sút do sự yếu kém của ban quản trị. Vì lý do đó chúng ta cần phải tìm cho được những người có năng lực quản lý xuất sắc, những người mà chúng ta tin tưởng, tôn trọng, ngưỡng mộ, họ làm việc vì lòng đam mê nghề nghiệp, vì sự phát triển chung hơn là lợi ích cá nhân. Sự thật đáng thất vọng là chúng ta rất dễ bị các lãnh đạo và những nhà kinh doanh thiếu trung thực lừa dối. Nếu áp dụng một vài thủ thuật trong chương này thì bạn sẽ có cơ hội phát hiện đâu là nhà lãnh đạo đáng kính, đâu là lãnh đạo đáng ghi
Chúng ta tìm kiếm một nhà lãnh đạo xuất sắc, người làm việc hết lòng vì công ty. Người sẽ làm cho công ty phát triển một cách bền vững, người sẽ làm gia tăng giá trị cho công ty trong dài hạn và là người luôn sống chết với công ty. Nếu chúng ta tìm được những nhà quản lý như vậy thì khi giao tiền cho họ chúng ta cảm thấy yên tâm, thoải mái và hy vọng lợi nhuận đến. Nếu chọn sai người chúng ta sẽ mất tiền như những cổ đông của công ty DVD, SHN, PVA ... Rất may là những điều này hiện nay nhờ có cơ chế quản lý nên chúng ta dễ dàng nhận ra khi bạn xem tiếp chương này.
Đến đây là nội dung quan trọng trọng nhất mà tôi muốn gửi đến các bạn, nhất là các nhà đầu tư Việt Nam. Vì ở thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại rất mơ hồ về việc đánh giá lãnh đạo một doanh nghiệp. Họ chỉ đơn giản nghĩ rằng để doanh nghiệp lớn mạnh thì lãnh đạo là người có bằng cấp cao, người có kinh nghiệm, người đến từ các nước tiên tiến hoặc là người có danh tiếng. Nhưng thực sự không phải là như vậy, hoàn toàn sai lầm. Để đánh giá một lãnh đạo tuyệt vời chúng ta xem xét 5 yếu tố sau:
- Khí chất lãnh đạo: Khiêm Tốn và Ý Chí
- Năng lực quản lý
- Luôn hướng đến lợi ích của các bên liên quan: Khách hàng, nhân viên và cổ đông đồng thời đánh giá giao dịch nội bộ và khoản tiền thưởng
- Có tính định hướng cao
- Là người đi lên từ nội bộ
KHIÊM TỐN VÀ Ý CHÍ
Đi vào từng khía cạnh của việc đánh giá một nhà lãnh đạo tài ba. Đầu tiên chúng ta hãy bàn về “Khí chất lãnh đạo”. Không có gì tốt hơn là tìm ra người thành thật, người sẽ mang đến cho cổ đông nhiều điều tốt đẹp. Trong tác phẩm Good to Great (Từ tốt đến vĩ đại) tác giả Jim Collins cũng nghĩ như vậy. Collins cho rằng những nhà lãnh đạo có khả năng làm cho công ty trở nên tuyệt vời là những nhà lãnh đạo cấp độ 5 (Level Five). Qua nghiên cứu thực tế Collins kết luận rằng lãnh đạo cấp 5 là lãnh đạo hy sinh vì mục đích riêng để xây dựng một công ty vĩ đại. Lãnh đạo cấp 5 phát triển toàn diện “xây dựng sự vĩ đại lâu dài nhờ kết hợp sự Khiêm Tốn cá nhân và một Ý chí làm việc chuyên nghiệp”. Tôi sẽ giải thích rõ hơn khí chất này qua nhìn nhận thực tế tại thị trường chứng khoán Việt Nam
KHIÊM TỐN
Sự khiêm tốn thuyết phục
Theo tôi để tìm ra một nhà lãnh đạo giỏi không khó nhưng để tìm được lãnh đạo khi thành công họ luôn nói về công ty, về sự đóng góp của những vị điều hành khác và đánh trống lảng khi bàn về thành công của mình thì quả thật khó hơn nhiều. Vậy bằng cách nào chúng ta có thể tìm ra những nhà lãnh đạo như vậy. Tôi sẽ chỉ ra cho bạn một số cách có thể nhận ra người chúng ta cần tìm.
Thứ nhất: Hãy đọc tất cả các bài báo nói về lãnh đạo công ty mà chúng ta quan tâm, các báo cáo thường niên hàng năm, đoc bất cứ thứ gì liên qua đến họ. Qua quá trình đọc bằng mọi giác quan bạn sẽ nhận ra được lãnh đạo có tự cao tự đại khi thành công, họ có thường hay phát biểu gây sốc hay không. Tôi tin rằng qua nhiều bài báo đó bạn sẽ có một cách nhìn tổng quát về người đứng đầu công ty mà bạn muốn đầu tư. Một điều thú vị mà bạn phải nhận ra, có một số nhà lãnh đạo tuy rất thành công nhưng họ thường ít khi xuất hiện trước công chúng, thường ít tiếp xúc báo chí nên không có nhiều bài viết về họ. Đây là những là lãnh đạo tuyệt vời, họ cứ lặng lẽ làm việc, khiêm tốn, ít nói… Họ chỉ muốn làm những người bình thường, âm thầm mang lại những kết quả phi thường
Lãnh đạo Lê Quang Doanh, Phạm Thị Việt Nga, Mai Kiều Liên, Trương Gia Bình và còn rất nhiều lãnh đạo đáng kính khác. Tuy rất thành công và được vinh danh nhưng theo tôi nghiên cứu họ rất khiêm tốn, họ thường ít xuất hiện trước công chúng và đặc biệt tôi chưa bao giờ thấy họ nhắc đến thành công của họ bao giờ
Thứ hai: bạn đánh giá xem họ có phải là người sống xa hoa, vì chúng ta không thể đưa tiền vào tay người lãnh đạo có lối sống phong lưu. Lãnh đạo chúng ta tin tưởng là lãnh đạo biết tính toán chi ly từng đồng tiền bỏ ra. Tôi thích những nhà lãnh đạo có lối sống giản dị, họ xem tiền bạc như vật ngoài thân, họ hết lòng làm việc vì lòng đam mê cống hiến vì phát triển xã hội
Điều cuối cùng có lẽ hơi khó cho nhà đầu tư nhỏ lẻ khi đánh giá sự khiêm tốn của lãnh đạo là có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với họ. Không phải ai cũng có cơ hội tiếp xúc với họ nhưng đây cũng là một cách đánh giá rất hiệu quả nếu chúng ta có cơ hôi
Tóm lại để đánh giá xem nhà lãnh đạo có khiêm tốn hay không chúng ta xem xét trên 4 yếu tố sau dựa trên
- Không tự cao tự đại khi thành công
- Ít xuất hiện trước công chúng
- Không phát ngôn gây sốc
- Phong cách sống giản dị
Ý chí, quyết tâm không lay chuyển…để làm việc phải làm
Một lãnh đạo tuyệt vời ngoài việc khiêm tốn, họ cần có một đức tính không kém phần quan trọng là quyết tâm cao độ, đến mức gần như khắc khổ để thực hiện bất cứ điều gì cần thiết để đưa công ty đến thành công. Họ làm việc siêng năng, chăm chỉ, làm việc vì lòng yêu thích công việc. Trong tâm trí họ luôn khát khao mang đến kết quả tốt đẹp cho công ty. Hãy xem Bà Phạm Thị Việt Nga thể hiện ý chí và lòng quyết tâm xây dựng DHG trong thời kỳ khó khăn nhất
Năm 1988, được phân công làm giám đốc xí nghiệp dược Hậu Giang (tiền thân của DHG hôm nay), tôi vô cùng bối rối. Với kỹ thuật rất thô sơ, chủ yếu là sản xuất thủ công, khi kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường, sản phẩm bán không được. Nhiều lần mở hội chợ, nhưng người dân chỉ lấy thuốc của thành phố, còn thuốc của mình bị vứt bỏ đầy đường. Bế tắc, tôi đã thử tìm một số giải pháp cứu nguy cho anh em, lập những đội xung kích lên Mộc Hoá trồng tràm, kết quả vẫn lỗ.
Lên rừng Phước Long, Sông Bé trồng tiêu, trồng điều, rồi vốn liếng cũng “tiêu điều” theo. Lại xuống Bạc Liêu nuôi tôm, tôm chết. Trước áp lực người lao động không có lương, tôi đành quay trở về tinh giảm biên chế, một số người không đồng tình, đập cửa phòng tôi mỗi ngày và kiện lên tới tận Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Buồn nản, nghĩ mình còn ngồi ở vị trí lãnh đạo còn làm khổ công nhân, thấy mình không đủ sức vực dậy một xí nghiệp đang trong tình trạng phá sản, tôi làm đơn xin từ chức. Nhưng các anh trên tỉnh nói chưa chọn được ai thay, và động viên tôi vượt qua khó khăn, không được đầu hàng.
Những ngày gian khó ấy, lại chính những người lao động đã cứu tôi. Suốt bao đêm nằm khóc ròng trên võng, anh em đã đến động viên, sẵn sàng làm không lương để cùng tôi đưa xí nghiệp qua cơn sóng dữ. Tôi đã khởi nghiệp lại bằng nhập vàng, xuất khẩu gạo lấy đôla (Mỹ) để nhập nguyên liệu kháng sinh, máy móc mới về làm thuốc. DHG là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam sản xuất kháng sinh viên con nhộng, đơn vị đầu tiên xây dựng hệ thống bán hàng trên cả nước, vực công ty trở lại.
NĂNG LỰC QUẢN LÝ
Đánh giá ban quản lý của một công ty hay một CEO không phải là việc dễ dàng thực hiện vì mỗi cá nhân có những phẩm chất khác nhau có thể tạo ra những kết quả khác nhau trong những hoàn cảnh khác nhau. Nhưng để chắc chắn chọn đúng người bạn cần hỏi câu hỏi. Ban quản lý và CEO hiện tại có năng lực không?
Để trả lời câu hỏi này tôi xem xét công ty trong vài năm. Chẳng hạn khi tôi đánh giá VNM và ban quản trị của nó, tôi đã xem xét bộ chỉ số cạnh tranh (hình bên dưới) trong ít nhất 5 năm. Tôi thích đánh giá trong khoảng thời gian dài để khám phá xem ban quản lý điều hành công ty phát triển bền vững không.
Bộ chỉ số cạnh tranh VNM
Khi tôi đánh giá năng lực quản lý của VNM, tôi đã kiểm tra 5 chỉ số chính: Vốn chủ sở hữu, Doanh thu, EPS, Lợi nhuận sau thuế, ROE. Bạn hãy nhìn xem trong năm năm các chỉ số đều tăng trưởng rất tốt. Doanh thu trong năm năm tăng gần 4 lần, ROE qua mọi năm trên 34%, lợi nhuận và VCSH tăng hơn 3 lần, EPS duy trì rất tốt dù có sự pha loãng cổ phiếu. Các chỉ số cho thấy kết quả thật ấn tượng, đó là lý do vì sao từ năm 2009 đến 2013 cổ phiếu VNM tăng giá liên tục. Để đánh giá các công ty có vị thế cạnh tranh trong ngành tôi thường chọn chỉ số ROE là tiêu chuẩn hàng đầu. Bởi vì nếu ROE trong năm năm lớn hơn 15% thì chứng tỏ ban quản lý có sự phân bổ hợp lý về vốn. Nếu ROE dưới 15% tôi sẽ loại công ty đó trong danh sách cần đầu tư.
Vì không có khoa học chính xác để đánh giá nhóm quản lý hay CEO, nên quan trọng là cho bản thân cơ hội xây dựng mô hình và thử nghiệm. Để phát triển kỹ năng đánh giá lãnh đạo, tôi thường tìm một vài CEO giỏi được mọi người công nhận, và học hỏi về họ cũng như công ty họ. Trương Gia Bình, Mai Kiều Liên và một vài người nữa theo tôi là những người mà mọi CEO khác cần phải học hỏi. Thật đáng mừng là nếu xây dựng một chuẩn riêng cho việc đánh giá thì người đánh giá sẽ giỏi lên theo thời gian.
HƯỚNG ĐẾN LỢI ÍCH CÁC BÊN
Một nhà lãnh đạo hướng đến lợi ích các bên là người có lợi ích cá nhân phù hợp với các bên liên quan. Các bên liên quan chính là “khách hàng, nhân viên và cổ đông”
Trong những năm gần đây, thước đo cao nhất cho rất nhiều công ty và ban quản lý của họ là chuyển thành quả làm việc mà họ mang lại so với sự tăng giảm cổ phiếu trong ngắn hạn. Giới truyền thông thì rêu rao đầy ắp những tin tức kiểu như “công ty XYZ” quí này lời khủng, quí kia bớt lỗ hoặc quí lỗ ít hơn…Điều này rất nguy hiểm cho công ty trong dài hạn đồng thời làm ảnh hưởng niềm tin đến thị trường chứng khoán. Việc chỉ tập trung vào ngắn hạn sẽ khiến chúng ta bỏ sót một thực tế là rằng những con số báo cáo ngắn hạn không quan trọng bằng các thước đo tốt cho dài hạn như: một công ty có làm thỏa mãn nhu cầu khách hàng đến đâu, nó có giành thêm được thị phần không, môi trường làm việc cho nhân viên có tốt lên không, động lực cho nhân viên có được cải thiện không và cuối cùng là làm tăng giá trị cho cổ đông .
Thay vì các thước đo ngắn hạn, các chỉ tiêu để đo lường thành công của nhà lãnh đạo nên là mức độ công ty phục vụ tất cả những ai có quyền lợi trong thành công của doanh nghiệp. Các chỉ tiêu tôi muốn đề cập:
- Khách hàng: thỏa mãn nhu cầu khách hàng, được thể hiện qua gia tăng thị phần.
- Nhân viên: môi trường làm việc tốt, chế độ chính sách cạnh tranh…
- Cổ đông: tối đa giá trị cho cổ đông là điều mà chúng ta xem xét sau hai khía cạnh thỏa mãn nhu cầu khách hàng và tạo động lực cho nhân viên
Tôi có hai thủ thuật nghe có vẻ phức tạp, nhưng sẽ rất dễ phát hiện đâu là nhà lãnh đạo chúng ta tin tưởng và đâu là kẻ vụ lợi. Đó chính là hoạt động “giao dịch nội bộ” và “khoản tiền thưởng”
GIAO DICH NỘI BỘ
Nếu là nhà lãnh đạo tuyệt vời, họ nên coi doanh nghiệp như là tài sản duy nhất của gia đình, là đứa con mình phải chăm sóc. Do vậy không có lý do gì mà họ đem bán từng phần công ty trừ khi có điều gì đó bắt buộc họ làm như vậy? Khi một CEO hoặc ban quản lý liên tục có hành động mua hoặc bán cổ phiếu của chính công ty mình, thì đó là một dấu hiệu xấu, rất xấu. Điều này cho chúng ta biết một vài hệ quả không tốt
Thứ nhất, hành động mua đi bán lại làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trong ngắn hạn. Lý do là bởi người một người điều hành thường biết vấn đề trước các nhà đầu tư, họ mua khi biết công ty sắp tốt lên và họ bán khi công ty khi công ty sắp trở nên tồi tệ. Hơn nữa đôi khi không phải là vậy mà họ mua bán vì mục đích khác, nhưng dù lý do gì đi nữa thì đây là hành động không tốt cho công ty trong dài hạn
Thứ hai, nếu họ bán công ty của chính mình chứng tỏ đây không phải là tài sản duy nhất mà họ tập trung làm việc, lúc này họ không làm vì lòng đam mê, không vì sự sống còn của công ty, họ chỉ làm việc vì tiền, vì quyền lợi riêng. Bạn có yên tâm khi đầu tư vào các doanh nghiệp FLC, SHN, PVA, HQC… Tôi thật sự rất e ngại đối với lãnh đạo các doanh nghiệp này và tôi nghĩ bạn cũng vậy. Tại sao chúng ta không đầu tư những công ty tuyệt vời với sự điều hành của Trương Gia Bình, Mai Kiều Liên, Phạm Việt Nga, vvv… Đây là những là quản lý tôi nghĩ họ sẽ không bao giờ bán công ty của mình, tôi tin chắc là vậy.
Việc lãnh đạo công ty bán chứng khoán không phải luôn là tín hiệu đèn đỏ. Ví dụ, Bill Gates bán cổ phiếu Microsoft để làm từ thiện. Nhưng nếu bạn xem xét toàn bộ cổ phiếu họ sở hữu, bạn có thể thấy phần lớn tài sản cá nhân của họ được đầu tư vào chính công ty, Buffet là một ví dụ điển hình
Không có một tiêu chuẩn hoàn hảo để đo lường khi nào một vài giao dịch nội bộ sẽ kéo theo rất nhiều giao dịch nội bộ khác. Bạn phải sử dụng mọi giác quan để phân biệt. Nếu các nhà lãnh đạo bán tống bán tháo hơn 30% lượng cổ phiếu của công ty mình mà không có lý do rõ ràng, điều này là một tín hiệu không tốt. Lúc này bạn phải hết sức cảnh giác, nếu có sự giảm giá một cách đột ngột bạn phải lập tức bán ra ngay vì giá sẽ còn tiếp tục rớt nữa. Ngược lại khi lãnh đạo tích cực mua cổ phiếu, đặc biệt là thế chấp tài sản của họ để mua, đó là dấu hiệu tích cực
XEM XÉT KHOẢN TIỀN THƯỞNG CỦA CEO
Một cách đánh giá khác để xem bộ máy quản lý có điều hành vì lợi ích cổ đông hay không đó là xem xét khoản tiền thưởng. Các CEO như Trương Gia Bình, Phạm Thị Việt Nga là những người rất giàu có. Vậy vì sao họ vẫn cứ chăm chỉ làm việc. Hầu hết có cùng một lý do, đó là vì họ đam mê công việc họ làm. Họ làm không phải vì tiền mặc dù tất nhiên họ trông đợi được trả công xứng đáng khi công ty thành công. Họ làm việc để xây dựng công ty phát triển mạnh mẽ. Thật không may, có một số mẫu lãnh đạo làm việc rất vụ lợi, họ không điều hành công ty với lòng say mê. Họ không phải là những người yêu quí công ty như Trương Gia Bình, Mai Kiều Liên, Phạm Thị Việt Nga. Lòng trung thành của họ đo lường bằng số tiền mà họ hy vọng nhận được. Khi công ty gặp khó khăn, mối quan tâm chính của họ là chạy trốn với một đống tiền. Chúng ta phải đề cao cảnh giác những nhà lãnh đạo kiểu này.
Vì là chủ sở hữu của công ty nên tôi coi tiền thưởng các lãnh đạo nhận được như khoản tiền lấy ra từ túi của tôi và tôi không thích điều đó. Những nhà lãnh đạo lãnh được khoản tiền lớn thực chất là những người vụ lợi, họ đáng bị coi thường và chúng ta nên chấm dứt hợp tác với họ
Chúng ta không mua bất kỳ công ty nào nếu không thích bộ máy quản lý ở đó. Một trong những lý do chính để không thích bộ máy quản lý là vì họ được trả thù lao quá lớn. Vì vậy các nhà đầu tư sẽ làm gì để tìm kiếm một công ty tốt, một công ty được điều hành bởi nhà lãnh đạo tài ba?
Hãy đọc báo cáo tài chính và đặt cho mình câu hỏi: người đứng đầu công ty có được trả lương thưởng một cách hợp lý so với thị trường chung không? Nếu ông ta được trả mức lương hợp lý và có cổ phiếu hoặc quyền mua cổ phiếu của công ty, kiếm được một khoảng lợi nhuận hợp lý khi thực hiện quyền thì đó là điều tốt. Còn không, công ty của bạn đã thuê những kẻ hám lợi
CÓ TÍNH ĐỊNH HƯỚNG
Một nhà một lãnh đạo tuyệt vời là người có tầm nhìn xuất sắc, họ định hướng để thay đổi công ty theo một cách phát triển riêng biệt. Mỗi giai đoạn năm năm họ đề ra mục tiêu táo bạo lớn lao. Nhà lãnh đạo có mục tiêu táo bạo luôn làm việc với lòng nhiệt huyết và niềm đam mê cháy bỏng. Họ lập ra mục tiêu và quyết tâm thực hiện chúng, mục tiêu lúc này biến thành tầm nhìn của công ty.
Mục tiêu táo bạo lớn lao của Mai Kiều Liên là đưa thương hiệu Vinamilk trở thành thương hiệu toàn cầu, đến năm 2017 sẽ vào top 50 của các DN sản xuất sữa lớn nhất thế giới và đạt doanh thu 3 tỷ USD, hiện nay Vinamilk đứng thứ 53.
Chúng ta tìm kiếm mục tiêu táo bạo ở đâu? Hãy dành thời gian đọc tất cả các bài báo liên quan đến nhà lãnh đạo mà bạn thích, trong báo cáo thường niên hàng năm. Nên nhớ để đánh giá mức độ tin cậy của mục tiêu bạn phải luôn theo sát sự tăng trưởng của bộ chỉ số cạnh tranh, đặc biệt là xem xét ROE (nếu ROE <15% các bạn nên cảnh giác với mục tiêu đó)
LÃNH ĐẠO ĐI LÊN TỪ NỘI BỘ
Để xây dựng một công ty phát triển bền vững, vấn đề không đơn giản là hiện tại doanh nghiệp có một thế hệ quản lý xuất sắc. Vấn đề quan trọng là “liệu công ty có phát triển tiếp ở những thế hệ sau hay không?” Mọi nhà lãnh đạo dù tài ba đến mấy, rồi cũng sẽ qua đời. Nhưng một công ty thật sự thành công, một công ty trường tồn sẽ vận hành tốt qua nhiều thế kỷ. Để tồn tại sự bền vững này tôi đánh giá rất cao việc lãnh đạo thăng tiến từ nội bộ. Các thế hệ sau liên tục theo đuổi các mục tiêu, luôn thể hiện các giá trị cốt lõi, văn hóa của doanh nghiệp hơn các lãnh đạo được tuyển dụng từ bên ngoài
Ngọc Tuấn
ValueInvesting - VIC