Ai sẽ kế vị Warren Buffett?
Người kế vị Buffett sẽ phải điều hành một tập đoàn đa ngành với hơn 80 công ty và hơn 270.000 nhân viên trên toàn cầu. Đây là một áp lực khủng khiếp.
Ai sẽ là người thay Warren Buffett dẫn dắt Berkshire Hathaway”? Đây là câu hỏi thường nhật kể từ khi nhà đầu tư huyền thoại đã hơn 80 tuổi này bị chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Tại đại hội cổ đông thường niên diễn ra tại bang Nebraska (Mỹ) hồi đầu tháng 5 vừa qua, câu hỏi này một lần nữa đã được các cổ đông đặt ra.
Thách thức của người kế vị
Có nhiều lời đồn đoán cho rằng, Ajit Jain – người đứng đầu mảng tái bảo hiểm khổng lồ ở Berkshire Hathaway là người được Buffett nhắm đến cho vị trí này.
Mùa hè vừa qua, các thị trường tài chính chao đảo sau khi Mỹ bất ngờ bị hạ bậc tín nhiệm nợ, Ajit Jain đã có cơ hội “đi đôi giày” của Warren Buffett. Ông đã chủ động ra giá mua lại Transatlantic Holdings Inc.
Hãng bảo hiểm này trước đó đã đồng ý sáp nhập với một đơn vị khác và cũng đang được nhiều công ty khác ve vãn. Nhưng trong khi giá trị các đề nghị chào mua (bằng cả cổ phiếu lẫn tiền mặt) giảm xuống trong bối cảnh khủng hoảng nợ của Mỹ thì Jain ra giá mua lại hoàn toàn bằng tiền mặt.
Đáng tiếc là Transatlantic đã từ chối ông và vài tháng sau đó đã chọn sáp nhập với một công ty khác. Dù thương vụ bất thành, nhưng đã thoáng cho thấy hình ảnh của một Warren Buffett thứ hai, vì thương vụ Transatlantic tượng trưng cho kiểu đầu tư mang tính cơ hội mà Buffett xưa nay được xem là bậc thầy.
Thực vậy, trong hơn 20 năm làm việc tại Berkshire, óc nhạy bén và khả năng nhận diện cơ hội kinh doanh của Jain đã mang về cho Berkshire hàng tỷ đôla Mỹ và chính Buffett cũng đã nhiều lần không tiếc lời khen ngợi Jain. Quan trọng hơn là thương vụ trên cho thấy, người kế vị Buffett ở vị trí Tổng Giám đốc Berkshire sẽ đối mặt với nhiều trọng trách, đó là khả năng phải nhận diện được những mục tiêu cần thâu tóm; có thể thỏa thuận và hoàn tất các thương vụ.
Người kế vị Buffett sẽ phải điều hành một tập đoàn đa ngành hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ đường sắt cho đến thực phẩm với hơn 80 công ty và hơn 270.000 nhân viên trên toàn cầu. Người đó cũng phải chịu trách nhiệm giữ gìn và phát huy nền văn hóa doanh nghiệp mà Buffett đã phát triển trong gần 50 năm qua.
Và có lẽ điều quan trọng nhất như Buffett đã nói là khả năng đàm phán các thương vụ lớn cho Berkshire và thâu tóm nhiều doanh nghiệp hơn để bổ sung vào bộ sưu tập hơn 80 công ty của tập đoàn này.
Dáng dấp của Buffett
Những người ủng hộ Jain cho rằng, ông là người có nhiều đặc điểm và phẩm chất giống với Buffett nhất. Theo họ, Jain là người thông minh, tốt bụng và rất nhạy bén, có khả năng nắm bắt nhanh và đúng trọng tâm những vấn đề kinh doanh phức tạp.
Cùng với đó là khả năng đàm phán thương vụ đã giúp ông xây dựng bộ phận tái bảo hiểm của Berkshire từ chỗ chỉ là một công ty nhỏ bé vào giữa thập niên 1980 trở thành một gã khổng lồ như ngày nay. Một loạt các hợp đồng bảo hiểm lớn mà ông ký kết trong những năm qua đã giúp mang về hàng chục tỷ đôla cho Berkshire. Đây là lượng vốn dài hạn mà Berkshire có thể dùng để mang đi đầu tư và rót vào các thương vụ thâu tóm.
“Tính chuyên nghiệp mà ông ấy mang đến đàm phán chính là khả năng phán đoán, ước lượng các thương vụ lớn một cách rất nhanh chóng. Đó là một kỹ năng không dễ gì có được”, Bob Hamman, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch SCA Promotions, nhận xét.
Giống như Buffett, Jain được xem là một nhà đàm phán khó qua mặt và rất cứng rắn. Ông sẵn sàng từ bỏ một thương vụ nếu thấy không có được cái giá như mình mong muốn. Ông cũng sẵn sàng nhảy vào nắm bắt cơ hội khi các đối thủ khác ái ngại, không muốn lao theo.
Rod Fox, nhà sáng lập kiêm CEO của TigerRisk Partners, một hãng môi giới tái bảo hiểm cho biết, những tháng gần đây, Jain đã nhiều lần bay sang Thái Lan để nắm bắt tình hình sản xuất ở đó sau khi trận lũ lụt lớn vào năm 2011 đã gây thiệt hại tới 12 tỷ USD cho các nhà bảo hiểm.
Từ sau thảm họa này, nhiều hãng bảo hiểm và tái bảo hiểm đã rất e dè, tìm cách giảm rủi ro thua lỗ trong tương lai bằng cách giảm ký hợp đồng bảo hiểm tại đây. Điều đó đã khiến cho phí bảo hiểm tăng mạnh và Jain đã tận dụng cơ hội này để nhảy vào thị trường.
“Đó là một ví dụ điển hình cho thấy ông có thể nắm bắt cơ hội nhanh chóng. Ông đã trở thành một trong những nhà tái bảo hiểm lớn nhất ở khu vực này gần như chỉ sau 1 đêm”, Fox nói.
Những phẩm chất này là lý do Buffett xem Jain như cánh tay phải của mình. Buffett thường nói rằng, ông nói chuyện với Jain mỗi ngày nhiều hơn với bất kỳ các nhà điều hành nào ở Berkshire. Bản thân Buffett cũng không tiếc lời ca ngợi trí thông minh, nhân cách và độ nhạy cảm trong kinh doanh của Jain.
Những người biết rõ Jain cho biết, Buffett không hề nói quá về Jain tí nào. “Ông ấy là nhà điều hành có kiến thức sâu rộng, bao quát ở nhiều lĩnh vực cùng với tư duy kinh doanh rất sáng suốt. Jain quản lý rủi ro một cách thấu đáo và đầy cân nhắc”, Peter Hancock, người đứng đầu bộ phận bảo hiểm bất động sản tại Tập đoàn Bảo hiểm Mỹ AIG nhận xét.
Trong một báo cáo hồi tháng 2, các chuyên gia phân tích tại Dowling & Partners đã sàng lọc hơn 10 ứng cử viên cho vị trí CEO Berkshire và khi xét về độ tuổi họ cho rằng, Matt Rose, người điều hành Công ty Đường sắt Burlington Northern Santa Fe và Greg Abel, người đứng đầu Công ty Năng lượng MidAmerican Energy cũng có nhiều khả năng kế vị Buffett.
Rose (53 tuổi) và Abel (49 tuổi) đã tham gia vào nhiều thương vụ thâu tóm trong lĩnh vực của mình và mỗi người “cũng có kinh nghiệm hữu ích khi ngồi vào vị trí lãnh đạo Berkshire thay cho Buffett”, các chuyên gia phân tích này cho biết.
Warren Buffett đã nhận xét gì về các nhà điều hành? “Nếu Charlie (tức Charlie Munger, Phó Chủ tịch Berkshire), tôi và Ajit ở trên con thuyền sắp chìm và bạn chỉ có thể cứu một trong 3 người chúng tôi thì hãy cứu Ajit” (Buffett nói về Ajit Jain vào năm 2009). “GEICO và vị CEO thông minh của công ty, Tony Nicely – chính là người đóng góp lớn cho kết quả kinh doanh xuất sắc của mảng bảo hiểm trong một năm có quá nhiều thảm họa”. (Buffett nhận xét về Tony Nicely năm 2000) “Trong một vài năm đầu tiên sau khi thâu tóm, General Re là một nỗi đau đầu lớn của chúng ta. Nhưng (nhờ có Tad Montross) giờ nó là tài sản quý báu”. (Buffett nhận xét về Tad Montross năm 2011) |
Theo Thành Lợi
Doanh nhân Sài Gòn