Chiêu giải chấp?

TTCK giảm mạnh trong 2 phiên 5 và 6-5 đã tác động đến tâm lý của nhiều NĐT. Như nhiều lần trước, giải chấp lại là một trong những nguyên nhân được đem ra để lý giải cho xu hướng tiêu cực của thị trường.
Mặc dù đã có những quy định cụ thể hoạt động giao dịch ký quỹ (margin), nhưng để định lượng một cách chính xác dòng tiền này rất khó khăn. Nên hoạt động giải chấp dù có hay không, quy mô thế nào cũng chỉ là ước đoán trong phạm vi nhất định. TTCK đã diễn biến không thuận lợi trong suốt tháng 4, kéo dài sang cả những ngày đầu tháng 5, thanh khoản cũng thuyên giảm phần nào so với các tháng trước đó.
Dòng vốn thực của thị trường có thể tạo nên thanh khoản trên dưới 2.000 tỷ đồng/phiên, cũng là mức đã duy trì trong khoảng 10-20 phiên gần đây. Trong 2 phiên 5 và 6-5, thanh khoản cũng chỉ hơn 2.000 tỷ đồng/phiên và hiện tượng bán tháo nếu có xuất hiện cũng chỉ trong thời gian ngắn. Như vậy, khả năng thị trường bị giải chấp ồ ạt khá thấp, nhưng vẫn có thể diễn ra đơn lẻ trong phạm vi hẹp.
Trước khi bước vào tháng 5, ngưỡng 79-80 điểm được xem là ngưỡng hỗ trợ mạnh cho HNX Index. Nếu ngưỡng này được giữ vững, vẫn sẽ có những NĐT chấp nhận “giữ dài” CP của mình đồng thời một số người khác cũng có thể tranh thủ bắt đáy. Tuy nhiên, ngay trong phiên đầu tiên của tháng 5, chỉ số này đã mất đến 2,52 điểm, tương đương 3,15%, xuống còn 77,36 điểm và phiên hôm sau mất tiếp 0,81 điểm xuống còn 76,55 điểm.
Tại HNX, chỉ cần 2 phiên “đo sàn” là CP đã giảm khoảng 20% và điều này đồng nghĩa với việc NĐT phải đóng thêm tiền hoặc CTCK sẽ yêu cầu giải chấp (margin call) để cân bằng trạng thái vốn tự có/vốn vay. Một số nhân viên môi giới nhiều kinh nghiệm cho biết, đúng là có hiện tượng giải chấp nhưng chỉ diễn ra tại một số CP nhất định, khi thị trường không thuận lợi lại rất dễ bị thổi phồng từ “đơn lẻ” chuyển thành “làn sóng”. Một NĐT bình thường khi nghe thông tin này có thể cảm thấy lo lắng và tiến hành “bán cho chắc”.
Nếu xem xét tại một số CTCK, hiện tượng giải chấp cũng có thể diễn ra bắt nguồn từ chính sách hoạt động của công ty. Mặc dù tỷ lệ vốn tự có/vốn vay theo quy định về margin 50/50, tuy nhiên hiện tượng các CTCK tìm cách lách để nâng tỷ lệ này thành 40/60 vẫn được bàn tán, thậm chí với blue chip tỷ lệ có thể nới thành 30/70.
Trong bối cảnh thị trường thuận lợi việc này vừa đem lại lợi nhuận cho NĐT lẫn CTCK nhưng khi thị trường không còn sung nữa sự rộng rãi này trở thành rủi ro. Lúc này, những yêu cầu đưa trạng thái về đúng quy định có thể được đưa ra và dần siết chặt, nếu thị trường lình xình không sao, còn nếu cứ vài ngày VN Index lại có phiên giảm từ 8-10 điểm yêu cầu trở nên gắt gao hơn.
Với tỷ lệ 40/60, NĐT sẽ phải đóng thêm lượng tiền bằng một nửa vốn tự có để đưa tỷ lệ về 50/50, còn nếu bán ra lượng bán phải tương đương với 1/5 giá trị danh mục hoặc 1/3 số tiền margin. Giả dụ một CTCK đang cho vay margin số tiền 600 tỷ đồng, với tỷ lệ vốn tự có/vốn vay là 40/60, nếu muốn đưa về trạng thái 50/50 sẽ phải giải chấp 200 tỷ đồng. 600 tỷ đồng margin và 200 tỷ đồng giải chấp không phải là những con số lớn để tác động đến toàn thị trường, nhưng với một số CP cũng đủ sức gây sóng gió trong 1-2 phiên.
Theo lẽ thường, khi thị trường không thuận lợi, hợp lý nhất là mua CP với vốn tự có và theo xu hướng tích lũy, nhưng thực tế có khi lại khác. Những nhận định lạc quan về TTCK trong trung, dài hạn vẫn còn đó và theo nhiều người thì cứ chấp nhận để TTCK nghỉ vài tháng rồi cũng sẽ tăng lại.
Trong khi đó, giá rất nhiều CP hiện nay đã giảm 30-50% hoặc gần về mức giá đáy của quý I, đủ rẻ để mua vào và nắm giữ dài hạn. Thấy một loạt CP tốt, giá tốt tất nhiên nhiều người sẽ muốn sở hữu càng nhiều càng tốt và như vậy dòng vốn margin có thể được tính tới.
Còn phải kể đến việc thị trường lình xình thì chiến thuật lướt sóng ngắn cũng có thể đem ra sử dụng, một phần danh mục vốn tự có dành cho CP dài hạn, phần tiền margin để đánh ngắn cũng có thể cân nhắc. Như vậy, chỉ cần những CP tốt giảm giá khoảng 10-15% trong ngắn hạn, hoạt động giải chấp cũng có thể được cân nhắc.
Đơn giản hơn nữa, đó là áp lực lãi vay, nắm giữ CP sử dụng vốn margin chừng 1-2 tháng không tăng giá được áp lực chi phí cũng tương đối. Như vậy, trong điều kiện thị trường không quá xấu, margin vẫn luôn hiện hữu và theo sau sẽ là áp lực giải chấp, chỉ khác nhau ở độ lớn tùy vào mỗi giai đoạn cũng như các hiệu ứng nó gây ra.
Những ngày qua, mặc dù TTCK diễn biến không thuận lợi, một số CP bị bán như “phá mã”, nhưng theo quan điểm của nhiều NĐT, đây có thể là chiêu “đè” để gom của các “tay to”. Mà đã “đè” phải làm sao để người khác bán ra với giá thấp nên việc cứ đem margin ra hù dọa là rất hữu hiệu. Vậy nên, kịch bản xả hàng trước, sau đó râm ran chuyện giải chấp cho NĐT khác lo lắng bán giá thấp hơn, rồi sau đó gom trở lại là rất lý tưởng để gom hàng giá rẻ.
Theo Đại Dũng
Sài gòn Đầu tư tài chính

Bình luận

    Tin doanh nghiệp khác

    Ngày 8-5, VN-Index trên sàn chứng khoán TP.HCM đã giảm sâu nhất trong lịch...
    Nhiều nhà đầu tư cá nhân dù biết sẽ rủi ro khi mua bán theo tin đồn,...
    Trong suốt khoảng thời gian biến động, nhiều nhà đầu tư cảm thấy...
    Có những điều tưởng như rất đơn giản nhưng không phải bất cứ ai...
    Để đầu tư lướt sóng đạt được hiệu quả trên thị trường Việt...
    Để các nhà đầu tư nhỏ không bán ra chốt lãi, cách tốt nhất là liên...
    Theo ông Nguyễn Thế Thọ, Vụ trưởng Vụ Giám sát, Ủy ban Chứng khoán...
    Nhìn một cách khách quan, hoạt động của “đội lái” cũng có mặt...
    Đầu cơ (speculation) trong lĩnh vực tài chính là việc mua, bán, nắm giữ,...