KBC và kiểu công bố thông tin “lạ”
Dồn dập các thông tin được công bố bởi Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC). Gần đây nhất và đáng chú ý là vào ngày 30/9, KBC trình cổ đông kế hoạch huy động vốn cực lớn, bao gồm phát hành 1.200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi và 120 triệu cổ phiếu, tất cả đều được thực hiện dưới hình thức chào bán riêng lẻ.
Với giá giao dịch hiện tại của cổ phiếu KBC thì số cổ phần dự kiến chào bán trị giá khoảng 1.920 tỷ đồng. Còn nếu căn cứ theo giá chào bán thấp nhất nêu trong phương án là 10.000 đồng/CP, thì số tiền dự kiến huy động chỉ riêng từ việc phát hành cổ phần cũng lên đến 1.200 tỷ đồng.
Như vậy, tổng số vốn dự kiến huy động bằng trái phiếu chuyển đổi và cổ phiếu thấp nhất cũng là 2.400 tỷ đồng.
Xin nói thêm, KBC không tổ chức cuộc họp, mà chỉ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản và như vậy, Ban điều hành sẽ “thoát” trách nhiệm giải trình với cổ đông. Dĩ nhiên, cổ đông có thể yêu cầu giải trình bằng văn bản, nhưng như thế chuyện của ai thì chỉ có người ấy biết, không có những màn gay cấn, vặn vẹo và mổ xẻ… như tại cuộc họp, trong khi nếu KBC tổ chức cuộc họp, thì khả năng diễn ra những “pha” là này rất cao.
Cứ đọc báo cáo tài chính của KBC thì sẽ biết vì sao, có rất nhiều vấn đề để thắc mắc. Pháp luật cho phép KBC được quyền lấy ý kiến bằng văn bản, nhưng có lẽ nhiều cổ đông vẫn chưa “thông” vì sao những kế hoạch lớn như thế lại không được đưa ra thảo luận trực tiếp.
Quay lại với kế hoạch huy động vốn, hầu hết vấn đề liên quan đều được HĐQT “xin” cổ đông uỷ quyền cho mình, từ đối tượng chào bán cho đến lãi suất và giá chuyển đổi đối với trái phiếu, giá chào bán đối với cổ phiếu, phương thức phân bổ vốn… HĐQT dự kiến sẽ thực hiện làm nhiều đợt, nhưng cũng không cho biết khoảng thời gian rõ ràng, thay vào đó chỉ nói sẽ chào bán cho đến khi nào hoàn tất thì thôi.
Mục đích của kế hoạch huy động vốn này là để “cơ cấu lại các khoản nợ hiện tại, bổ sung vốn kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng các dự án khu công nghiệp, khu đô thị và đầu tư vào công ty con, công ty liên kết”. Nghe rất chung chung.
Tại thời điểm cuối tháng 6, số dư các khoản vay ngắn hạn và dài hạn của KBC lần lượt là 2.699 tỷ đồng và 952,7 tỷ đồng. Nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ này là rất nặng nề, và nếu nhìn vào dòng tiền, có thể thấy KBC đang phải “gồng mình”.
KBC hiện có 2.900 tỷ đồng trái phiếu do 3 ngân hàng nắm giữ là VietinBank với 600 tỷ đồng, PVcomBank 2.000 tỷ đồng và NCB (trước đây là Navibank) 300 tỷ đồng. Trái phiếu phát hành cho VietinBank đã đáo hạn vào tháng 5, nhưng KBC đã xin gia hạn đến năm 2017. Số còn lại đều đáo hạn vào những tháng cuối năm này. Vì thế, khi KBC trình cổ đông kế hoạch huy động vốn, rất có thể mọi việc đã được thu xếp đâu vào đấy.
Còn đối với kế hoạch đầu tư vào công ty thành viên và liên kết, KBC cam kết góp vốn vào nhiều công ty nghĩa vụ lên đến hơn 3.722 tỷ đồng, nhưng mới chỉ thực hiện được hơn 521,5 tỷ đồng, tức 14%.
Chẳng hạn, KBC công bố sở hữu 51% CTCP Nhiệt điện Bắc Giang có vốn là 3.000 tỷ đồng, nhưng đến cuối tháng 6 vẫn chưa góp đồng nào. Hay như CTCP Năng lượng Sài Gòn - Bình Định có vốn là 10.000 tỷ đồng, trong đó KBC cam kết góp 1.900 tỷ đồng (19%), nhưng đến cuối tháng 6 mới góp được 483 tỷ đồng.
Theo Luật Doanh nghiệp và Nghị định 102/2010/NĐ-CP, nếu cổ đông sáng lập không mua hết số cổ phần được quyền chào bán thì số cổ phần còn lại phải được chào bán hết trong vòng 3 năm. Sau 3 năm mà vẫn không bán hết thì DN phải đăng ký giảm vốn đúng bằng số vốn thực góp.
Những quy định này có một chút “rắc rối” đối với KBC. Chẳng hạn, Nhiệt điện Bắc Giang được thành lập từ ngày 5/3/2010, nhưng đến nay KBC chưa góp vào đồng nào. Như thế lẽ ra công ty nhiệt điện này đã phải đăng ký điều chỉnh vốn và điều đó cũng có nghĩa KBC chẳng có quyền lợi gì tại Nhiệt điện Bắc Giang. Tuy nhiên, báo cáo tài chính bán niên của KBC vẫn ghi nhận công ty này là con.
Đối với kế hoạch đầu tư các dự án hạ tầng khu công nghiệp và đô thị, phương án huy động vốn của KBC không nói rõ sẽ đầu tư vào dự án nào và cụ thể bao nhiêu. Mới đây, KBC “công bố thông tin về triển vọng kết quả kinh doanh quý IV/2014” (nguyên văn) với thông tin là KBC đã ký biên bản ghi nhớ với LG Electronics về việc tập đoàn Hàn Quốc này sẽ thuê thêm đất tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng) do KBC đầu tư quản lý với tổng giá trị ước tính khoảng 650 tỷ đồng.
Trong văn bản này, KBC cũng cho biết một cách chung chung là “đang nhanh chóng đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, chuẩn bị quỹ đất, để đón thêm các DN vệ tinh của một số tập đoàn lớn, đặc biệt là vệ tinh của LGE”.
Hầu như chưa thấy DN nào công bố thông tin về “triển vọng kết quả kinh doanh” như KBC, có chăng là công bố thoả thuận hoặc hợp đồng vừa ký và kết quả dự kiến của nó.
Sau khi thông tin được công bố, nhiều CTCK đưa ra nhận định tích cực về cổ phiếu này. Kiểu công bố thông tin “lạ” cũng đã khiến cổ phiếu KBC có một phiên “gây sốc”.
KBC tăng trần vào phiên thứ Tư tuần này, lên 16.000 đồng/CP với gần 11 triệu đơn vị được khớp lệnh. Tổng giá trị khớp lệnh lên đến 327,5 tỷ đồng. Một lượng lớn hơn thế đã được giao dịch thoả thuận trong cùng ngày, trong đó bên mua là nhà đầu tư nước ngoài. Chốt phiên, KBC vẫn còn dư mua trần gần 464.000 cổ phiếu.
Đức Luận