Con đường trở thành nhà môi giới chứng khoán chuyên nghiệp
Người môi giới không chỉ đại diện giao dịch, mà còn là nhà tư vấn đầu tư và quản lý tài sản cho khách hàng.
Từ tự do đến quản lý
Môi giới chứng khoán ở Việt Nam ra đời trước khi TTCK tập trung được thành lập (sàn HOSE đi vào hoạt động năm 2000), tự phát hình thành từ nhu cầu mua bán các loại giấy tờ có giá như cổ phiếu, trái phiếu. Họ làm trung gian trong các giao dịch mua bán và hưởng phí giao dịch của khách hàng.
Thời kỳ này, môi giới chứng khoán hành nghề không chịu sự quản lý của Nhà nước. Họ có thể là bất kỳ ai, không phân biệt tuổi tác, trình độ học vấn, trình độ văn hóa…, miễn là có được nhiều thông tin, sự nhanh nhẹn để kết nối cung cầu. Sự thành công của người làm nghề môi giới thường được đo bằng sự rộng lớn trong các mối quan hệ của họ.
Do chưa được quản lý, chưa có các quy định về nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp… nên hoạt động môi giới có chất lượng thấp, mang tính “chộp giật”, thổi phồng giá trị của chứng khoán, thậm chí lừa đảo bằng chứng khoán giả. Chính vì thế, nghề môi giới chứng khoán tự do, tự phát này còn được gọi là “cò chứng khoán” và không được đánh giá cao trong thang bậc nghề nghiệp.
Khi TTCK tập trung đi vào hoạt động, nghề môi giới chứng khoán dần dần được đánh giá cao. Nhà nước xây dựng khung pháp lý quy định về chức năng, nhiệm vụ và bằng cấp tối thiểu đối với người hành nghề môi giới chứng khoán, đẩy môi giới lên một tầm cao mới, trở thành một nghề chính thức được Nhà nước và xã hội công nhận.
Giai đoạn đầu, công chúng có nhu cầu đầu tư lớn khi TTCK được Nhà nước quản lý, với các yêu cầu về chất lượng chứng khoán, về minh bạch thông tin…, trong khi lượng cung hàng hóa ít nên môi giới được coi như những người quyết định việc mua bán thành công của khách hàng, dù hầu hết chỉ ngồi một chỗ để nhận lệnh giao dịch. Nhưng biến động khó lường của TTCK đã tạo nên sự thận trọng trong các tầng lớp nhà đầu tư, người môi giới không chỉ thuần túy là đại diện giao dịch, mà phải là nhà tư vấn đầu tư và quản lý tài sản cho khách hàng. Theo đó, môi giới chứng khoán thực sự trở thành một nghề cao cấp, đòi hỏi sự đầu tư tri thức nghiêm túc.
Chuyển biến theo sự phát triển của TTCK
Không chỉ ở Việt Nam, các TTCK phát triển như Anh, Pháp, Mỹ, Hồng Kông… đều đã từng phải trải qua các thời kỳ phát triển môi giới như vậy. Sự sàng lọc liên tục diễn ra kèm theo những biến động mạnh trên TTCK khiến nghề môi giới ngày càng trở nên khó khăn hơn bởi các yêu cầu khắt khe về đạo đức, trình độ chuyên môn, khả năng giao tiếp lẫn tác phong nghề nghiệp. Đến nay, từ môi giới (broker) tại các thị trường phát triển được coi là một nghề “thượng lưu” trong thang bậc nghề nghiệp xã hội.
Ở Việt Nam, người làm nghề môi giới cũng chuyển biến theo từng bước phát triển của TTCK. Sau các đợt biến động mạnh của thị trường, số lượng người làm nghề môi giới chứng khoán đã được thanh lọc rất nhiều. Những người từng trải qua các cung bậc cảm xúc mà thị trường mang lại trong những năm vừa qua đều hiểu rất rõ áp lực, sự trả giá cũng như các khó khăn mà một người môi giới chứng khoán phải tiếp nhận.
Trụ lại được cho tới nay là những người có kinh nghiệm nhất trong nghề môi giới chứng khoán. Sự xung đột về lợi ích tài chính, áp lực tư vấn, áp lực mở rộng quan hệ để phát triển khách hàng và các áp lực về trình độ chuyên môn đã dẫn tới một thế hệ môi giới hoàn thiện hơn, chất lượng hơn và đi vào chiều sâu nhiều hơn.
TTCK Việt Nam đang đi qua thời kỳ non trẻ để bước các bước lớn tiếp theo, theo chân các thị trường phát triển khác trên thế giới, nghĩa là bước theo dấu chân người khổng lồ, lúc đó môi giới chuyên nghiệp đương nhiên phải là những người thuộc đẳng cấp “thượng lưu”.
Lựa chọn môi trường chuyên nghiệp
Người môi giới đẳng cấp chuyên nghiệp cần được phát triển trong một công ty chứng khoán có định hướng đúng đắn về xây dựng con đường sự nghiệp cho môi giới.
Tại một môi trường làm việc chuyên nghiệp, người môi giới bắt buộc phải trải qua các bài sát hạch về trình độ chuyên môn, trải qua các khoá học về giao tiếp, kỹ năng bán hàng, kỹ năng tư vấn khách hàng…Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất và khó đào tạo nhất chính là tư cách đạo đức của người làm nghề. Một môi trường thiếu chuyên nghiệp với các mô hình quản lý, quản trị rủi ro sơ sài sẽ vô tình đẩy người môi giới tới sát các vấn đề về vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí trong tiềm thức họ trước đó cũng không muốn vậy.
TTCK trở nên chuyên nghiệp hơn khi môi trường làm việc của các môi giới được tổ chức bài bản và chặt chẽ, nơi mà họ được phát huy các thế mạnh, được phát triển tư duy và được bảo hộ phát triển cả về đạo đức nghề nghiệp.
Thực trạng hiện nay của TTCK Việt Nam, việc tìm được một môi trường thích hợp như vậy là rất khó. Người môi giới thường phải trải nghiệm qua các công ty khác nhau để từ đó tìm ra được một môi trường thích hợp nhất cho sự phát triển của họ.
Thị trường luôn biến động kèm theo sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các công ty chứng khoán, mục đích đạt lợi nhuận được đưa lên hàng đầu có thể khiến không ít công ty sử dụng môi giới làm công cụ chính cho mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận, mà bỏ qua vấn đề xây dựng môi trường chuyên nghiệp cho môi giới phát triển. Yếu tố thời gian, yếu tố khách hàng và cả các yếu tố về cơ hội phát triển vì thế cũng bị ảnh hưởng nhiều trên con đường sự nghiệp của môi giới.
Về nguyên tắc, tuổi nghề càng cao thì kinh nghiệm cũng như bản lĩnh thị trường càng được khẳng định. Đa phần môi giới thành công trên thị trường thế giới đều có tuổi đời trên 35. Người môi giới cần có lòng yêu nghề để bám trụ lại với TTCK luôn có nhiều biến động. Nhưng sự đào thải cũng rất cao nếu người môi giới không được hỗ trợ phát triển trong môi trường hành nghề chuyên nghiệp. Sự định hướng nghề nghiệp và động cơ hành nghề đúng đắn, cộng với sự đầu tư nghiêm túc của bản thân vào các giá trị tri thức của nghề sẽ giúp cho người môi giới có khả năng tích lũy hành trang trải nghiệm theo thời gian phát triển của thị trường.
“Mục tiêu đầu tiên của người làm nghề như chúng tôi chính là khớp cơ hội đầu tư của thị trường với nhu cầu đầu tư của khách hàng để giúp khách hàng tìm kiếm lợi nhuận. Thông qua đó, chúng tôi có thu nhập dựa trên chính giá trị năng lực và đạo đức của bản thân, được tích lũy trải nghiệm cùng với tiềm năng phát triển của TTCK”, ông Ngô Thế Hiếu, Giám đốc Kinh doanh Khối môi giới, CTCK VNDirect chia sẻ.
Ngô Thế Hiếu