Tung hỏa mù báo cáo tài chính
BCTC là cơ sở quan trọng để NĐT đánh giá doanh nghiệp (DN) và đưa ra quyết định đầu tư. Tuy nhiên, có những trường hợp mà BCTC của DN giống như hỏa mù ngăn cản NĐT tiếp cận với DN.
Nhìn từ DTV và DAP
CTCP Phát triển Điện Nông thôn Trà Vinh (DTV) hiện đang giao dịch CP của mình trên sàn UPCoM, trong 10 phiên gần nhất DTV không có giao dịch và đứng tại mức giá 2.100 đồng/CP. EPS năm 2013 của DTV thậm chí còn… cao hơn cả thị giá hiện nay của CP này khi đạt đến 2.221 đồng/CP.
Nhưng điều đáng nói là nhìn vào KQKD của DTV trong 4 năm gần nhất lợi nhuận (LN) sau thuế cứ đều đặn khoảng… 11 tỷ đồng/năm. Năm 2012, doanh thu (DT) của DTV đạt gần 168 tỷ đồng, LN sau thuế 11,8 tỷ đồng, đến năm 2013, DT tăng lên 212 tỷ đồng, nhưng LN sau thuế vẫn là 11,7 tỷ đồng.
Quay lại 2 năm 2011 và 2010, LN sau thuế vẫn cứ nằm trong vùng 11 tỷ đồng. Dẫu biết rằng, ngành điện là ngành có nguồn thu ổn định, nhưng ổn định như DTV thì… không ổn chút nào. Nếu đi sâu hơn ngành nghề kinh doanh của DTV nêu trong BCTC là đầu tư xây dựng, phát triển các công trình điện, thi công lắp đặt đường dây, trạm biến áp, kinh doanh mua bán điện, tư vấn, thiết kế, giám sát các công trình điện… có thể thấy DTV có những ngành nghề hoạt động khó ổn định LN đến mức kỳ lạ như vậy.
Ngay đến những công ty thủy điện ở trên sàn được xem là ổn định trong hoạt động kinh doanh cũng khó lòng có dòng LN đều như DTV. Nói đến đây, một số NĐT hẳn sẽ thắc mắc LN nói riêng và số liệu trên BCTC của DTV nói chung chuẩn xác đến đâu?
Gần đây, giới đầu tư chứng khoán cũng nói khá nhiều đến trường hợp của Vinachem (DAP) với KQKD khá thất thường. Năm 2011 và 2012 công ty đạt LN hàng trăm tỷ đồng nhưng đến 2013 LN giảm xuống vài trăm triệu đồng rồi đến nửa đầu năm 2014 lại lỗ 114 tỷ đồng. Điều đáng nói là dù kết quả thất thường như vậy, nhưng theo đánh giá của một số NĐT có thâm niên trong lĩnh vực đầu tư thì DAP là công ty “ngon”, vì đây là một trong những tên tuổi lớn trong ngành phân bón. Điều này phần nào được minh chứng khi DAP tiến hành IPO 30,2 triệu CP tại HNX với giá khởi điểm 1.0, tổng lượng đặt mua là 32,23 triệu CP.
Tại sao NĐT sẵn sàng mua DAP mà không sợ các khoản lỗ và sự thất thường của công ty? Có khá nhiều câu trả lời ở đây: Có thể DAP là một công ty tiềm năng, chuyện lỗ trong một số thời điểm chỉ là “vặt vãnh”, NĐT mua với tầm nhìn dài hạn. Mà nếu vậy những NĐT mua vào tất nhiên sẽ phải am hiểu về ngành phân bón nói chung và hoạt động của DAP nói riêng.
Vậy những NĐT này là ai, có thể là NĐT bình thường, hoặc ai đó làm việc trong ngành phân bón và cả những người hiểu DAP, mà để hiểu DAP có thể là người quen, người nhà của DAP. Trong nhóm những NĐT này, nếu đi sâu hơn một chút sẽ thấy: Nếu là NĐT bên ngoài, cho dù có am hiểu ngành hay công ty cỡ nào đi nữa đồng nghĩa với việc sở hữu một khoản đầu tư rủi ro. Còn giả thiết người nhà của công ty mua CP xem chừng hơi vội vã, vì có một loạt quy định về việc mua cổ phần cho cổ đông nội bộ. Nhưng song song với các quy định cũng có những cách để lách.
Nên tôn trọng NĐT
Sự ổn định như của DTV hay thất thường như DAP đều gây ra sự khó hiểu đến… ức chế và có thể cảm giác bị coi thường. Chưa bàn đến chuyện đúng sai, nhưng nó đã tạo ra một rào cản lớn giữa các NĐT đại chúng và phía DN. Đứng ở góc độ một NĐT bình thường, tiếp cận với một DN hoạt động kinh doanh khó dự báo và khó nắm bắt rõ ràng là rủi ro.
Có ý kiến cho rằng, DN trong một phạm vi nào đó, có thể “làm” BCTC sao cho có lợi cho mình nhất, tuy nhiên điều này cũng phải ở trong khuôn khổ nhất định. Chẳng hạn, có những DN “gác” một phần LN của mình trong năm ngoái, để dành cho năm nay do dự báo năm nay có thể gặp những thách thức. Nhưng khoản “gác” lại cũng không để ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của DN.
Đứng ở góc độ DN, nếu thực sự quan tâm tới cổ đông, các NĐT họ thừa sức tìm hiểu và biết được NĐT thắc mắc điều gì và giải thích rõ ràng, đằng này cái NĐT thấy được chỉ là thái độ im lặng, đôi khi bất cần. Còn về phía NĐT, tất nhiên ai cũng muốn tìm kiếm những DN tốt, tiềm năng, hoạt động hiệu quả để đầu tư. Tuy nhiên, tốc độ của việc cổ phần hóa hay niêm yết CP trên sàn, dù được các cơ quan quản lý liên tục thúc đẩy, vẫn có những DN tỏ ra chậm chạp.
Trong một chừng mực nào đó, dường như một số DN nắm được ý định của NĐT thích DN của mình, thích CP của mình nên thay vì hợp tác, mở cửa chào đón các NĐT lại thủ thế quá kỹ. Cũng phải nói rằng, khi NĐT một phần nào đó cần DN thì việc có những động thái “thiếu tôn trọng” từ phía DN sẽ sớm bị bỏ qua. Tức năm nay có thể hơi “chảnh”, nhưng sang năm “cởi mở” trở lại NĐT lại vui vẻ đến với DN.
Nhưng tình thế có thể sẽ khác đi nhiều nếu lượng hàng hóa trên TTCK ngày một nhiều hơn. Lúc đó, DN sẽ phải cần đến NĐT và NĐT là bên được quyền chọn. Và chắc chắn, những DN có BCTC thiếu nghiêm túc, minh bạch sẽ phải nhận lại những cái nhìn khắt khe hơn.
ĐẠI NGÀN