CEO VCBF: nhà đầu tư muốn hưởng lợi, phải làm khác

Ông Avinash Satwalekar, Tổng giám đốc (CEO) kiêm Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) nhận định, những căng thẳng trên Biển Đông sẽ được giải quyết bằng biện pháp hoà bình, đồng thời cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, NĐT cần làm khác thị trường thì mới mong hưởng lợi.

Ông cảm thấy thế nào trước sự hoang mang của phần lớn các NĐT trong thời gian vừa qua?

 

Chúng tôi cũng bị xao động như mọi người dân Việt Nam và các quan sát viên quốc tế trước việc Trung Quốc có hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việc lo lắng khi thị trường biến động mạnh là lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, sự kiện này sẽ không tác động ngay và cũng không lớn đến nền kinh tế. Do đó, chúng tôi tin rằng, đây là thời điểm đầu tư tốt khi tâm lý của thị trường còn chưa ổn định. Đây cũng là cơ hội tốt kể từ khi chúng tôi giới thiệu quỹ mở đầu tiên - Quỹ đầu tư Cân bằng chiến lược VCBF - vào tháng 12/2013. Các yếu tố kinh tế cơ bản của Việt Nam tiếp tục cải thiện và việc đầu tư dài hạn vào những thời điểm như thế này sẽ mang lại lợi nhuận trong tương lai.

Phản ứng của ông ra sao?

Đối với mỗi khoản đầu tư, chúng tôi đều đánh giá các cơ hội và xác định một mức giá mục tiêu để đảm bảo rằng, việc đầu tư đó đạt được lợi nhuận như đã đề ra. Thị trường cổ phiếu có thể biến động và thay đổi hàng ngày, nhưng triết lý đầu tư của chúng tôi không thay đổi. Chúng tôi luôn nhắm tới những cổ phiếu có giá thị trường thấp hơn giá trị thực. Những căng thẳng gần đây ở Biển Đông khiến thị trường cổ phiếu phải chịu một số áp lực, tuy nhiên, chúng tôi thấy đây là cơ hội để mua thêm cổ phiếu.

Và VCBF có kế hoạch huy động thêm vốn để gia tăng đầu tư?

Việc huy động quỹ của chúng tôi là một quá trình liên tục. Chúng tôi đang trong giai đoạn chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) quỹ thứ hai - Quỹ đầu tư Cổ phiếu hàng đầu VCBF. Đây là quỹ mở đầu tư tập trung vào cổ phiếu đầu tiên của chúng tôi. Trong tương lai, VCBF sẽ giới thiệu các quỹ mở khác theo mức chấp nhận rủi ro và kế hoạch tài chính của các đối tượng NĐT khác nhau. Chúng tôi tin rằng, sự liên kết giữa các thế mạnh của Franklin Templeton về các sản phẩm quỹ mở trên thế giới và uy tín của Vietcombank đảm bảo VCBF có điểm khởi đầu vững chắc.

Liệu biến cố Biển Đông có làm thay đổi các kế hoạch huy động vốn cũng như chiến lược đầu tư của VCBF?

Thực sự là không, vì chúng tôi luôn nghiên cứu và phân tích kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Chúng tôi đưa ra các kịch bản về kinh tế và kinh doanh khác nhau, chỉ khi tin chắc rằng việc đầu tư đó có khả năng đáp ứng các mục tiêu lợi nhuận dài hạn thì mới tiến hành đầu tư. Về những căng thẳng trên Biển Đông, nội bộ chúng tôi cũng đã có nhiều buổi thảo luận, nhưng tin rằng, sẽ không có thiệt hại đáng kể về lâu dài cho nền kinh tế Việt Nam; biện pháp hòa bình sẽ được đưa ra.

Ông có thể chia sẻ chiến lược hoặc kinh nghiệm đầu tư trong những tình huống như thế này?

Chúng tôi đầu tư dài hạn và nhắm đến việc đầu tư từ 3 - 5 năm. Đội ngũ phân tích của chúng tôi tập trung vào các tác động lâu dài của mọi tình huống và khi nào chúng tôi tự tin rằng, các tác động là không đáng kể, chúng tôi sẽ gia tăng các khoản đầu tư nếu giá của chúng giảm xuống. Những căng thẳng gần đây ở Biển Đông là một ví dụ. Ngay sau khi những căng thẳng bắt đầu, thị trường giảm 5,9% vào ngày 8/5, chúng tôi đã nắm bắt cơ hội này để tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu.

Ông John Templeton, người sáng lập Tập đoàn Templeton (nay là một phần của Franklin Templeton - một trong hai công ty mẹ của VCBF) có nói: “Không bao giờ làm theo đám đông. Nếu bạn mua chứng khoán giống như những người khác, bạn sẽ thu được kết quả giống như họ. Bạn không thể có được kết quả tốt hơn, trừ phi bạn làm gì đó khác biệt với đa số. Mua vào khi những người khác đang chán nản bán ra và bán đi khi những người khác đang ham mua vào. Việc này đòi hỏi sự ngoan cường và sẽ được hưởng lợi nhiều nhất”.

Ông nhận thấy mức độ quan tâm của các NĐT quốc tế đến cơ hội đầu tư vào Việt Nam như thế nào?

Theo số liệu của Bloomberg, cổ phiếu Việt Nam rẻ hơn so với hầu hết các thị trường mới nổi khác, xét về các tỷ số giá trên lợi nhuận (P/E) và giá trên giá trị sổ sách (P/B), trong khi tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao hơn hầu hết các thị trường khác.

Chúng tôi nhận thấy, các NĐT quan tâm hơn đến thị trường vốn Việt Nam từ năm 2012, khi nền kinh tế bắt đầu ổn định. Trong dài hạn, chúng tôi tin rằng, bối cảnh đầu tư vào thị trường Việt Nam là rất hấp dẫn và bản thân chúng tôi sẽ tăng tỷ lệ đầu tư vào cổ phiếu để tận dụng cơ hội này.

 

Đức Luận

Bình luận

    Tin vĩ mô khác

    Đề cao sức mạnh tập thể, để hoạt động Công ty không phụ thuộc...
    Đó là lúc tôi nhận ra ông ấy nghĩ về kinh doanh một cách thâm thúy hơn...
    Marc Faber không xa lạ gì đối với giới kinh doanh chứng khoán và vàng,...
    Yếu tố tác động lớn đến thị trường tháng 6 là: giàn khoan Hải...
    Nhiều bằng chứng về tài kinh doanh, óc phán đoán chứng minh rằng IQ của...
    Tỷ phú, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett được coi là người sở...
    Một nghiên cứu mới có thể cung cấp bằng chứng rõ ràng nhất từ...
    Ông Takashi Fujii, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty BHNT Dai-ichi Việt...
    Có thể tôi sẽ chỉ làm những gì tôi đã làm khi 23 tuổi. Tôi sẽ đi...
    Khi nhắc đến tỷ phú Warren Buffett, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành...