Doanh nhân Lý Quí Trung: Mất đam mê mới là thất bại thực sự
"Thất bại suy cho cùng cũng chỉ là một kết quả không như ý thôi, và dù sao nó cũng đã đáp ứng cho niềm đam mê của mình. Chỉ có mất đi niềm đam mê thì mới là thất bại thật sự". Đó là kinh nghiệm mà người sáng lập thương hiệu Phở 24 Lý Quí Trung đã đúc kết được từ những thất bại trong quá trình khởi nghiệp.
Bán “đứa con tinh thần” mình dứt ruột đẻ ra, Lý Quí Trung, ông chủ thương hiệu Phở 24, chàng tiến sĩ từng nổi danh với nhiều cuốn sách về nhượng quyền thương hiệu ấy đột ngột quyết định ra đi.
Những tưởng anh đã “gác kiếm”, an yên nơi đất khách với một gia tài không nhỏ và công việc giảng dạy, là giáo sư danh dự của đại học Western Syney University & Griffith University… Nào ngờ anh lại khởi nghiệp lần thứ hai với nhà hàng Bon Bistro (BB), nằm ngay trên đại lộ Broadway, Úc. “Tươi, sạch sẽ, tinh tế, rất Việt” là những tính từ mà người dân Úc đã dành cho BB.
Hát hay, vẽ đẹp, thân thiện và lịch lãm, những tố chất rất “nghệ sĩ” đó dường như đã giúp anh đi xa hơn trên con đường kinh doanh của mình, tìm ra những bài học thú vị trong cả những đau thương, để viết nên những trang sách thấm đẫm trải nghiệm cho thế hệ đi sau như: "Bầu trời không chỉ có màu xanh", "Chỉ có niềm đam mê"…
Từng được độc giả VnExpress bình chọn là 1 trong 50 người có tầm ảnh hưởng rộng lớn với những đóng góp mang tính đột phá với Việt Nam, lý do gì khiến anh quyết định rời xa quê hương để định cư ở Úc?
Một trong những lý do chính khiến tôi quyết định đi Úc là vì muốn cho hai đứa nhỏ đi du học mà lại không muốn rời xa tụi nó. Mình đã nghĩ cho mình nhiều quá rồi, bây giờ có điều kiện thì quyết định dành trọn thời gian ít nhất là 3-4 năm cho con cái và gia đình. Và cũng cùng thời gian đó tôi cũng có may mắn là đã sắp xếp được công chuyện kinh doanh ở Việt Nam để có thể tạm thời ra đi.
Trong những ngày xa quê, điều gì khiến anh còn day dứt nhất khi nhớ về quê nhà?
Nhớ về quê nhà thì có nhưng day dứt thì không hẳn. Vì một khi tự mình quyết định đi vào một ngã rẽ mới thì đã có sự chuẩn bị tinh thần và dồn nhiều tâm trí vào tương lai, nên những điều gì không hoàn hảo còn lại trong quá khứ trở nên nhỏ bé.
Sở hữu một gia tài không nhỏ khi chuyển nhượng thương hiệu Phở 24, vì sao anh không tận hưởng cuộc sống yên bình ở Úc với công việc giảng dạy tại Đại học Griffith, mà vẫn quyết định khởi nghiệp lần thứ hai với một nhà hàng mới ở Sydney?
Tôi cũng dự định chỉ đi dạy học cho thanh cảnh nhưng khổ nổi một khi đã làm doanh nhân rồi thì lúc nào cũng là doanh nhân! Một khi đã mở nhà hàng rồi thì lúc nào thấy mặt bằng tốt cũng ngứa nghề! Trong mấy năm tưởng là thanh thản nhưng lúc nào cũng nhớ đến nghề nhà hàng, như có ngọn lửa cháy âm ỉ trong lòng, chờ ngày bùng lên. Rồi chuyện gì đến rồi cũng đã đến, lại tiếp tục mở nhà hàng! Mà cũng thuận lợi vì hai đứa nhỏ bây giờ đã lớn và ổn định.
Từng đối diện với không ít thất bại từ lần khởi nghiệp thứ nhất, theo anh, những thất bại nào đắt giá nhất đã giúp anh kinh nghiệm qúy giá để khởi nghiệp lần thứ hai, và viết lên cuốn sách "Chỉ có niềm đam mê"- 20 điều anh muốn chia sẻ với người khởi nghiệp là gì?
Tôi thấy thất bại nào cũng đắt giá hết. Mỗi lần thất bại là mỗi lần khác nhau nhưng đều có chung một thứ, là nó làm cho mình mạnh mẽ hơn. Và đa số những lần thất bại đều mang dấu ấn của sự chủ quan, thiếu kinh nghiệm, thiếu tính toán cẩn thận. Nhưng ngặt nỗi là tính quá kỹ thì đâu dám làm cái gì nữa. Nên tôi nghĩ hay dở là ở chỗ biết pha vào một chút liều lĩnh, một chút xam xám không rõ ràng vào cái sự tính toán có bài bản.
Và hay dở cũng ở chỗ thái độ của mình như thế nào đối với mỗi lần thất bại. Thất bại suy cho cùng cũng chỉ là một kết quả không như ý thôi, và dù sao nó cũng đã đáp ứng cho niềm đam mê của mình. Chỉ có mất đi niềm đam mê thì mới là thất bại thật sự.
Kinh doanh dường như chính là những bước thực hành để "tự vấn" chính mình của một anh tiến sĩ, để đúc kết và viết nên những bài học về quản trị? Hai vai trò ấy có bao giờ mâu thuẫn nhau, thậm chí triệt tiêu nhau?
Tôi cũng không ngờ là đối với tôi kinh doanh và dạy học hay các công việc liên quan đến hàn lâm lại có liên quan mật thiết với nhau như vậy. Bằng chứng là khi không còn kinh doanh thì tôi mất đi nhiều cảm hứng trong việc giảng dạy. Vì tôi không thích nói nhiều về chuyện quá khứ khi giảng dạy mà chỉ thích nói về hiện tại và những suy nghĩ, kế hoạch cho tương lai.
Từ ngày mở cái tiệm ăn trên phố Broadway này tôi lại cảm thấy hưng phấn hơn, và muốn làm nhiều thứ hơn. Cho nên hai vai trò mà chị đề cập không hề mâu thuẫn hay triệt tiêu nhau, ngược lại nó bổ sung cho nhau như giọng ca chính phải đi chung với giọng ca bè thi nghe mới hay!
Lý Quí Trung tâm niệm "một khi đã làm doanh nhân rồi thì lúc nào cũng là doanh nhân!". Ảnh: Lý Quí Trung/FB.
Để có thể kiên dịnh đi theo "nghiệp kinh doanh nhà hàng" đầy chông gai, anh phải vượt qua những chướng ngại nào trong chính mình, và trong cuộc sống, kinh doanh?
Ở Việt Nam, đi theo nghiệp kinh doanh nhà hàng đối với tôi là quá dễ, vì cả đại gia đình gần như ai cũng đi theo nghề này nhiều năm. Nhưng ở Úc thì khác hẳn, vì phải bắt đầu lại từ đầu, nhất là không có ai xung quanh. Mọi thứ đều phải tự làm, tự học hỏi, tìm hiểu, và cái khó nhất là phải hiểu cho được văn hóa, thói quen và đặc thù của thị trường ở đây. Biết là một chuyện, nhưng hiểu và thông thạo là một chuyện khác. Và muốn cạnh tranh thành công thì mình phải hiểu khách hàng hơn các đối thủ của mình.
Thường xuyên trò chuyện với các bạn trẻ khởi nghiệp trong nước, theo anh, lỗ hổng nào lớn nhất trong tư duy khiến cho những startup khó đi xa, đi dài? Điểm đầu tiên mà một startup cần nhất là gì?
Tôi thấy các bạn trẻ ở Việt Nam hừng hừng khí thế, đó là một điều đáng quý, vì không phải ở nước nào thế hệ trẻ cũng muốn khởi nghiệp mạnh mẽ như vậy. Nếu phải nói ra những lỗ hổng về tư duy thì tôi thấy có mấy điểm nổi cộm sau đây: Thứ nhất, rất nhiều bạn trẻ có vẻ quá nóng vội, thiếu kiên nhẫn và thích “đi tắt đón đầu”. Thấy người ta làm ăn hoành tráng thì mình cũng hoành tráng như ai nên dễ thất bại, và khi thất bại thì mức độ sát thương lớn hơn bình thường.
Thứ hai, là quan niệm về xây dựng thương hiệu. Khi tôi xây dựng chuỗi tiệm phở của mình, tôi chỉ nghĩ đến sự thành công về mặt uy tín, thương hiệu. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện xây lên để bán hay để làm giàu. Nhiều bạn trẻ nếu tôi không lầm thì đem đồng tiền kiếm được làm mục tiêu phấn đấu thì dễ bị thất vọng và lạc lối. Lợi ích về tài chính tự nó sẽ đến một khi người khởi nghiệp trải lòng và dốc hết tâm sức cho những gì mà xã hội và thị trường trông chờ.
Điểm đầu tiên người khởi nghiệp cần nhất? Niềm đam mê. Chỉ làm những gì mình đam mê, nhưng đó chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ: Kiến thức, một chút kinh nghiệm, một chút tưởng tượng và thật nhiều may mắn!
Những xu hướng tiêu dùng nào đang đóng vai trò quyết định cho sự thành bại của một startup? Để theo kịp cuộc cạnh tranh khốc liệt về sự thay đổi của xu hướng tiêu dùng, đòi hỏi các doanh nghiệp và các startup phải áp dụng công nghệ như thế nào trong marketing và chăm sóc khách hàng?
Xu hướng tiêu dùng của thế giới chắc có khác một chút so với xu thế tiêu dùng đặc thù của Việt Nam. Nên lúc nghiên cứu thị trường chúng ta phải cảnh giác điều này.
Nhưng nhìn chung, người tiêu dùng hôm nay thông minh và đòi hỏi hơn nhiều. Họ muốn biết nhà hàng bán món gì, giá cả ra sao trước khi bước chân đến. Thậm chí họ có thể còn muốn biết các món ăn được chế biến ra sao và mọi người xung quanh đánh giá như thế nào.
Và họ không còn tin vào quảng cáo như trước đây mà chỉ tin vào những gì họ tự tìm thấy trên mạng. Tôi nghĩ là công nghệ thông tin, mạng xã hội sẽ càng ngày càng quyết định vận mệnh của các thương hiệu nhiều hơn.
Nhìn lại hai lần khởi nghiệp của mình, những tính cách, phẩm chất nào đã giúp anh đứng vững trong bão táp và nhanh chóng đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã? Khởi nghiệp từ số không khác biệt thế nào với khởi nghiệp khi đã có một gia tài, một tên tuổi trong giới doanh nhân?
Tôi có trí nhớ rất ngắn đối với những lần thất bại và luôn tin rằng sớm muộn gì mình cũng đi được tới đích. Và ở Úc thì rõ ràng phát xuất điểm của tôi cũng không dễ dàng gì cho lắm, tuy phần tài chính có thông thả hơn. Nếu một người Úc khởi nghiệp có 100 người quen thì bây giờ tôi chỉ có một vài người. Nhưng bù lại là tôi đang sở hữu một số vốn kinh nghiệm vô cùng quý giá, và nó sẽ là hành trang giúp tôi đi đến những nơi mà tôi muốn đến.
Anh có thể kể một chút về tuổi thơ của mình? Điều gì đã làm nên con người vừa thực tế, vừa lãng mạn như anh?
Lãng mạn hay nghệ sỹ? Nói chung tôi thích cả hai, vì nó làm cuộc sống tôi nhiều màu sắc hơn, tươi đẹp hơn. Nhưng tôi vẫn thích tính thực tế vì nhờ nó mà tôi có thể hiện thực hóa những gì mình mơ mộng. Tôi nghĩ mình may mắn thừa hưởng cả “gen” nghệ sỹ và kinh doanh từ mẹ, gen lãng mạn và viết lách từ cha. Nói chung tôi thấy ba mẹ tôi cả hai người đều mê nghệ thuật, âm nhạc, và mê cái đẹp.
Điều gì quý nhất anh đã học được từ tấm gương sống của cha và mẹ mình? Những nếp sống và sinh hoạt nào của gia đình mà anh muốn gìn giữ mãi cho con cháu mình, để tạo dựng nền tảng giá trị sống vững chãi cho các con?
Cha mẹ con cái rất thân với nhau, thậm chí coi nhau như bạn. Đại gia đình chúng tôi cùng chơi với nhau, cùng cười với nhau, cùng chia sẻ những nỗi đau, niềm vui với nhau. Đó là thứ quý giá nhất mà tôi muốn con cái của tôi sau này cũng duy trì như vậy.
Mẹ anh cũng là một người phụ nữ vừa giỏi kinh doanh, vừa "cầm kỳ thi họa", nỗ lực của bà để nuôi một đàn con nheo nhóc ăn học thành tài từ những ngày gian khó đã để lại trong anh những xúc cảm gì? Anh có điều gì muốn chi sẻ với những người mẹ Việt Nam tần tảo?
Mẹ tôi hy sinh nhiều cho con cái. Thậm chí ba mẹ tôi khi đã ly dị rồi mà mẹ tôi vẫn tiếp tục giữ một mối liên hệ đẹp đẽ với ba tôi (cho dù ba tôi đã có gia đình riêng), rõ ràng sâu xa là để cho chúng tôi không bao giờ phải bị thiếu tình cảm của cha. Tôi cho đó là một sự hy sinh to lớn nhất của một người phụ nữ.
Lý Quí Trung bên vợ và con gái. Ảnh: Lý Quí Trung/FB.
Vợ anh, người phụ nữ xinh đẹp và cũng rất giỏi giang, làm thế nào để giữ được mái ấm luôn ấm lửa, mà vẫn trở thành một người đàn ông quảng giao, bặt thiệp?
Cái đó chắc là nhờ bà xã quá giỏi! Không giỏi thì làm sao tôi có thể quảng giao, bặt thiệp? Không phải tại ngày 8/3 đâu nhé!
Mỗi lần về nước, nhìn lại chuỗi cửa hàng Phở 24 đang ở trong tay chủ khác, tâm trạng của anh thế nào? Anh có buồn nhiều không khi chất lượng của Phở 24 không còn như xưa, và người Sài Gòn đang "đau khổ" về sự " suy đồi" của phở?
Khi chuyển giao đứa con tinh thần của mình cho người khác thì chắc ai cũng muốn thấy nó tiếp tục ngày càng lớn mạnh. Người đón nhận lấy đứa con tinh thần của mình dĩ nhiên cũng muốn thấy như vậy. Những khó khăn, thử thách mà Phở 24 đang đối mặt là rất lớn và tôi chỉ mong sao con tàu này đủ sức lực để vượt qua sóng gió.
Anh nghĩ gì khi một đại gia nữa đang lăm le khởi nghiệp với chuỗi nhà hàng phở mang tên “Phở ông Khải”?
Tôi nghĩ càng có nhiều chuỗi phở hay chuỗi bán các món ăn Việt Nam khác xuất hiện thì càng tốt. Tốt cho khách hàng và tốt cho đẳng cấp của món ăn được mệnh danh là nhà vô địch này.
Tuy nhiên để mở vài trăm cửa hàng ở Việt Nam thì mô hình kinh doanh phải hết sức đặc biệt và mang tính cách mạng, tiên phong. Món phở dù có ngon cách mấy cũng không đủ thuyết phục vì khách hàng mỗi người một khẩu vị khác nhau, nên mỗi thương hiệu đều có lượng khách riêng của mình là vậy.
Điểm khó nhất của việc mở mấy trăm cửa hàng có lẽ nằm ở chỗ làm sao định giá một tô phở cho thật cạnh tranh mà vẫn có lời. Giá cả phải chăng nhưng lợi nhuận phải cao thì mới mở nhiều được. Đây là bài toán khi thực hiện cụ thể mới thấy không dễ chút nào.
Quan niệm sống nào đã giúp anh giữ được sự trẻ trung cả trong tư duy và trong kinh doanh?
Sống là phải vui. Kinh doanh cũng vậy.
Những lúc xuống tinh thần nhất, làm thế nào để anh vượt lên?
Nhận diện nó. Khoanh vùng nó. Và tách biệt nó ra. Nói thì dễ chứ làm thì rất khó, và tôi cũng đang trong hành trình học nó mỗi ngày. Nên nhiều lúc tôi thấy một cuộc sống phong phú, nhiều màu sắc giúp mình cân bằng hơn trong những tình thế như vậy. Ít ra là mình có chỗ để lẩn trốn. Vẽ một bức tranh hay đàn một bài hát cũng là một cách lẩn trốn hiệu quả. Có khi chỉ cần vượt qua một tích tắc nguy hiểm là đã vào được khu an toàn, coi như là đã vượt qua.
Cách anh luyện tập mình mỗi ngày, để giữ được khí chất và tâm hồn luôn trong trẻo và an yên giữa dòng đời đầy bất trắc?
Mỗi ngày tìm một niềm vui. Sống hết mình với những gì mình đang làm, dù đó là công việc hay thể thao, giải trí. Tôi thấy có nhiều người ngay cả lúc chơi mà cũng không thấy vui được 100%. Nếu chịu khó tìm thì hình như mọi việc mình làm đều có thể thấy niềm vui trong đó.
Theo Kim Yến