Nobel kinh tế 2013: Cảm xúc, duy lý và thực nghiệm

Lý do khiến giới tài chính hào hứng là vì cả ba vị khôi nguyên của năm nay đều đến từ một lĩnh vực liên quan trực tiếp đến Phố Wall là kinh tế học về tài chính (financial economics) và cụ thể là định giá thực nghiệm (empirical asset pricing).

Công trình của các vị tân khôi nguyên này, theo đánh giá của Wall Street Journal, đã tạo nên sự tiến hóa trong lĩnh vực quản trị danh mục và định giá chứng khoán, và đi đầu trong việc nghiên cứu sự ảnh hưởng của cảm xúc trong các quyết định đầu tư.

 

Phóng to
Các trader (nhân viên giao dịch tài chính) trên sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)

 

Tại sao cần định giá và dự báo giá

Giao dịch trên thị trường tài chính, xét cho cùng, cũng là các giao dịch mua bán tài sản, và vì thế việc định giá luôn là yếu tố cốt lõi mà các bên tham gia thị trường quan tâm. Từ phương diện thực tiễn, định giá chỉ đơn thuần là xem xét hoặc đánh giá xem một miếng đất hoặc một công ty có giá trị là bao nhiêu.

Trong trường hợp này, đa số chúng ta sẽ nhờ chuyên gia phân tích và định giá, hoặc so sánh với những tài sản tương tự, hoặc đơn giản là dựa vào kinh nghiệm của bản thân. Nếu dự báo đúng, chúng ta sẽ làm ra tiền; còn nếu dự báo sai đương nhiên sẽ phải chịu lỗ.

Trong kinh tế học về tài chính, định giá mang một ý nghĩa bao quát hơn. Thứ nhất, định giá xem xét những nhân tố tác động tới biến động về giá trị của tài sản. Ví dụ, một công ty có giá trị là 100 đồng. Thay vì xem xét tại sao công ty có giá trị là 100 đồng, kinh tế học tài chính sẽ xem xét những nhân tố nào tác động tới việc giá trị của công ty đó tăng lên hoặc giảm đi 10%. Thứ hai, định giá đồng nghĩa với việc dự báo giá.

Về mặt lý thuyết, nếu chúng ta có thể hiểu được các nhân tố tác động tới biến động giá thì cũng đồng nghĩa với việc chúng ta có thể dự báo được giá trong tương lai bằng cách dự báo các nhân tố đó. Các nhân tố điển hình đã được nghiên cứu nhiều bao gồm các nhân tố vĩ mô như biến động lạm phát, biến động lãi suất ngắn hạn, tỉ lệ thất nghiệp... (Chen, Roll and Ross); các nhân tố vi mô như quy mô công ty, mức độ rủi ro, thanh khoản (Basu, Banz, Fama và French).

Tuy nhiên, cản trở lớn nhất trong định giá thực nghiệm là phương pháp kiểm chứng. Và cản trở lớn nhất trong kiểm chứng là làm thế nào tránh được các tác động kép giữa các nhân tố và giữa thời điểm và do đó sẽ ảnh hưởng tới giá trị dự báo. Ví dụ, tác động giá hôm qua đến giá ngày hôm nay, tác động giá ngày hôm qua đến lãi suất ngày hôm nay...

Sau hơn 50 năm nghiên cứu, cộng đồng khoa học trong kinh tế tài chính đã khá đồng lòng rằng biến động giá hầu như không dự báo được (returns are unpredictable). Tuy nhiên, có hai trường phái lý giải: học thuyết kỳ vọng hợp lý và học thuyết tài chính hành vi.

 

Phóng to

 

Kỳ vọng hợp lý

Người lớn tuổi nhất trong số ba vị tân khôi nguyên, giáo sư Eugene Fama, được coi là cha đẻ của khoa học tài chính hiện đại và học thuyết thị trường hiệu quả (efficient market hypothesis). Công trình được trao giải năm nay được ông khai sinh từ những năm 1960, và nó bắt nguồn từ một thất bại cá nhân.

Từng tham gia mua bán cổ phiếu và không mấy thành công, Fama dựa trên học thuyết chính thống của kinh tế học là học thuyết về kỳ vọng hợp lý (rational expectation) để mô hình hóa sự biến động của giá chứng khoán.

Theo học thuyết về kỳ vọng hợp lý, bản chất của con người là duy lý, tức là các quyết định của họ không bị chi phối của cảm xúc. Họ tiếp thu các thông tin trên thị trường, và ngay lập tức đưa các thông tin này vào quyết định giá cả và tạo ra một mặt bằng giá.

Cụ thể là những thông tin lịch sử như biểu đồ giá (weak form efficiency) và những thông tin ngay tức thì như công bố kết quả kinh doanh (semi-strong form) sẽ được thị trường và các trader biết ngay tức thì. Do đó bất cứ thông tin nào mới có ảnh hưởng tới một chứng khoán, thông tin này lại ngay lập tức được phản ánh vào một mặt bằng giá mới. Vì thế, theo ông, bản chất của thị trường tài chính là thị trường rất hiệu quả, không có lý do gì và không ai có thể “thắng” được thị trường.

Theo Peter Englund, giáo sư ngân hàng của Trường Kinh tế Stockholm và là thư ký của Ủy ban Nobel Kinh tế, “nghiên cứu của Fama cho thấy rằng sẽ cực kỳ khó để thắng được thị trường, và cực kỳ khó để dự báo giá trong thời gian một ngày hay một tuần” và “nó cho thấy không có bất cứ lý do gì để một cá nhân bình thường tham gia vào việc phân tích giá chứng khoán. Thay vào đó, nên đầu tư vào một danh mục rộng gồm nhiều loại chứng khoán khác nhau”.

Ảnh hưởng của các phân tích này vô cùng lớn. Nó khiến các traders phải xem xét lại về chiến lược đầu tư của mình và góp phần hình thành các phương pháp đầu tư mới cho thị trường. Theo Wall Street Journal, chính các công trình này của Fama là một trong những nhân tố chủ chốt để hình thành hệ thống các quỹ đầu tư chỉ số (index fund) hay còn gọi là ETF (Exchange Traded Fund). Những quỹ đầu tư này cũng phản ánh triết lý và học thuyết đầu tư của ông rằng: nếu không thắng được thị trường thì bám theo thị trường.

Bong bóng và tài chính hành vi

Đối lập với Eugene Fama, Robert Shiller lại thấy thị trường rất không hoàn hảo. Bắt đầu bằng công trình “Phải chăng giá chứng khoán lại giao động quá mạnh và không giải thích được bằng sự thay đổi của cổ tức diễn ra sau đó?” (“Do Stock Prices Move Too Much to Be Justified by Subsequent Changes in Dividends?”) xuất bản năm 1981 trên tạp chí American Economic Review, ông đã “tuyên chiến” với học thuyết thị trường hoàn hảo của Eugene Fama.

Trong nghiên cứu này, ông đã chỉ ra rằng giá chứng khoán biến động quá mạnh và không giải thích được bởi sự thay đổi của dòng thu nhập đến từ các chứng khoán đó. Nếu giải thích rằng thị trường là duy lý thì giá chứng khoán phải bằng với kỳ vọng hợp lý của dòng thu nhập này. Vì thế, học thuyết thị trường hoàn hảo là có vấn đề, và rõ ràng là các thị trường chứng khoán “luôn có khuynh hướng ngả theo các xáo trộn không duy lý”.

Công trình này của ông được American Economic Review xếp hạng năm 2011 là một trong 20 công trình có ảnh hưởng lớn nhất từng được xuất bản, bên cạnh các công trình khác của các khôi nguyên Nobel trước đây như Milton Friedman, Joseph Stiglitz, Friedrich Hayek và Paul Krugman.

Từ nghiên cứu đầu tiên này, Robert Shiller đã đi tiên phong trong việc phân tích các yếu tố “không duy lý” của con người trong việc ra quyết định. Ví dụ, đa số nhà đầu tư và trader sẽ sốt ruột và muốn bán cổ phiếu lúc giá cổ phiếu đó đang lên; trong khi đó nhà đầu tư sẽ không chịu cắt lỗ và quyết tâm ôm cổ phiếu đó hoặc mua thêm lúc giá cổ phiếu đang xuống, thể hiện tâm lý “sợ rủi ro lúc thắng nhưng sẵn sàng đánh bạc lúc thua”.

Ngoài ra Shiller cũng dùng nhiều nghiên cứu từ ngành tâm lý học trong tiềm thức con người để cho thấy quyết định đầu tư của nhà đầu tư bị ảnh hưởng rất nhiều bởi hành vi của những người xung quanh. Việc này tạo ra tâm lý bầy đàn và thổi biến động giá xa khỏi mức giá mà kỳ vọng hợp lý dự báo.

Các nghiên cứu của ông đã đặt nền móng cho nhánh khoa học tài chính sau này hay được gọi là tài chính hành vi (behavior finance). Đây là một lĩnh vực tương đối mới và vẫn còn trong giai đoạn phát triển bùng nổ.

Theo giáo sư Peter Englund, “các nghiên cứu của Shiller cho thấy có những giai đoạn các tài sản bị định giá quá cao. Shiller đã cảnh báo từ những năm 1990 khi giá cổ phiếu ngành công nghệ thông tin tăng mạnh, rằng nó không bền vững trong dài hạn và ông đã đúng. Ông cũng cảnh báo trước nhiều năm về tình trạng bong bóng bất động sản ở Mỹ. Và ông cũng đã đúng”.

Khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra năm 2008, Shiller đã nói rằng nó “phản ánh các sai lầm và các điểm bất hoàn hảo của hệ thống tài chính mà chúng ta đang cố gắng sửa chữa. Tôi cho rằng còn rất nhiều thứ phải làm. Tôi cho rằng nó sẽ mất nhiều thập kỷ. Nhưng chúng ta đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng tài chính trong lịch sử và chúng ta thường học hỏi được từ các cuộc khủng hoảng như vậy”.

Rõ ràng, các nghiên cứu của Shiller về sự bất duy lý của con người khi ra quyết định, và vì thế, sự bất hoàn hảo của thị trường, chính là các điểm xuất phát về lý thuyết cực kỳ quan trọng để các nhà quản lý hiểu hơn về thị trường và đưa ra các biện pháp quản lý thích hợp. Từ đó mới mong kiểm soát được các “cơn điên loạn bất duy lý” của thị trường và tránh được các đổ vỡ đáng tiếc mà chúng gây ra.

Người thứ ba đặc biệt

Bất kể là biến động giá có dự báo được hay không hoặc bị tác động bởi những nhân tố nào thì người nghiên cứu cũng cần phải kiểm chứng giả thuyết của mình. Nếu không có phương pháp kiểm chứng khoa học, và dựa vào đó chứng minh được giả thuyết của mình là đúng thì giả thuyết chỉ là giả thuyết và chưa được thực tiễn công nhận.

Vì thế, cả Eugene Fama và Robert Shiller đều phải dựa vào các phương pháp kiểm chứng định lượng để chứng minh giả thuyết của mình. Và ở đây nảy sinh vai trò nổi bật của vị khôi nguyên thứ ba, giáo sư Lars Peter Hansen.

Việc kiểm chứng các giả thuyết này sẽ cần đến các chuỗi số liệu trong quá khứ, được gọi với cái tên đặc biệt là chuỗi số liệu theo thời gian (time series data). Hai khuyết điểm gai góc nhất của các chuỗi số liệu theo thời gian là có hiện tượng liên quan giữa các sai số theo thời gian (serial correlation) và mối liên quan giữa các biến số cần giải thích và những nhân tố khác không quan sát được.

Vì hai khuyết điểm này, các phương pháp hồi quy truyền thống dùng để kiểm chứng giả thuyết như OLS và Maximum Likelihood đều không chính xác và đưa đến những kết quả ước lượng sai lệch, không nhất quán.

Trong một công trình của mình viết từ ngày còn là nghiên cứu sinh, giáo sư Lars Peter Hansen đã phát triển một phương pháp gọi là GMM (Generalized Method of Moments). Phương pháp này cho phép nhà thực nghiệm đơn giản hóa giả định và vẫn đưa ra kết quả nhất quán, kể cả trong trường hợp số liệu bị hai khuyết điểm trên. GMM là cầu nối trực tiếp giữa thực nghiệm và học thuyết tiêu dùng trong kinh tế vi mô.

Trong trường hợp số liệu đủ lớn và các giả thiết chặt chẽ như OLS thì kết quả giữa GMM và OLS hay Maximum Likelihood sẽ giống nhau. Do đó, OLS hay Maximum Likelihood chỉ đơn thuần là dạng phương trình đặc biệt của GMM.

Chính vì những lý do trên và trong môi trường số liệu thực tế ít hơn số liệu lý thuyết đòi hỏi (kể cả đối với thị trường Mỹ hay Việt Nam), GMM là ánh sáng trong đường hầm đối với các nhà nghiên cứu tài chính thực nghiệm, bất kể họ đi theo trường phái kỳ vọng hợp lý của Fama hay trường phái hành vi của Shiller. Và điều này giải thích vì sao Hansen lại nằm trong bộ ba được giải Nobel của năm nay.

Ảnh hưởng lớn

Thị trường tài chính hiện đại có thể coi là thị trường quan trọng nhất và có ảnh hưởng quyết định, tức thì đến mọi mặt của đời sống kinh tế thế giới. Vì thế, việc nghiên cứu về nó, hiểu biết nó, tìm cách kiểm soát tính bất duy lý của nó và điều tiết nó một cách khôn ngoan là việc cực kỳ hệ trọng.

Như đã chỉ ra ở trên, có thể nói cả ba hướng nghiên cứu tách biệt nhau của ba tân khôi nguyên Nobel kinh tế năm nay đều tạo ra những chấn động và dấu mốc vĩnh cửu trong khoa học kinh tế và tài chính, trong phân tích, tư vấn, quyết định chính sách, và trong hoạt động cũng như tiến hóa của thị trường tài chính thế giới. Những đóng góp này là thật sự đáng, đúng ra là đã hơi trễ, để được Ủy ban Nobel vinh danh và nhân loại biết đến.

(*): TS Trần Vinh Dự và TS Nguyễn Xuân Giao đều là các chuyên gia kinh tế đã có các công trình nghiên cứu được xuất bản tại Mỹ. Ông Giao chuyên nghiên cứu lĩnh vực kinh tế học về tài chính và định giá thực nghiệm.

 
TS TRẦN VINH DỰ - TS NGUYỄN XUÂN GIAO (*)

Bình luận

    Tin vĩ mô khác

    Warren Buffett không phải là một trong những nhà đầu tư vàng vĩ đại....
    Chỉ trong vòng 2 thập kỷ, doanh nhân này đã đưa Fosun trở thành một...
    “Đi theo các triết lý của Graham tức là bạn sẽ có được các lợi...
    "Mục tiêu của những nhà đầu tư thành công là mua từng phần của công...
    Hóa ra các địa điểm làm việc lý tưởng nhất trên thế giới cũng...
    Giá mỗi cổ phiếu tại Berkshire Hathaway đã tăng gấp đôi trong vòng 8 năm...
    Lợi thế so sánh của các bạn nằm ở người dân. Đó là lợi thế rất...
    Báo cáo đánh giá quản trị công ty khu vực ASEAN 2013 - 2014 do Diễn đàn...
    Những nhà đầu tư nổi tiếng thế giới không chỉ khiến chúng ta khâm...
    Hai quỹ đầu tư Digital Media Partners (DMP) và Monk’s Hill Ventures (MHV) vừa...