Cổ phiếu bất động sản dễ có 'sóng' tuần tới
Thị giá của nhiều cổ phiếu bất động sản, như CLG, BCI, ASM… đang trên đà tăng, hứa hẹn có thể tạo “sóng” trong thời gian tới.
Cổ phiếu CLG của Công ty cổ phần Phát triển nhà Cotec từ cuối tháng 3 đến tháng 5 đã giảm từ mức gần 12.000 đồng/cổ phiếu xuống đáy 6.700 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, từ cuối tháng 5 đến nay, CLG đã nhúc nhích tăng giá và hiện đã vượt ngưỡng 8.000 đồng/cổ phiếu.
Tương tự, cổ phiếu BCI sau khi rơi xuống mức đáy 17.300 đồng/cổ phiếu vào giữa tháng 5 đã có những tín hiệu hồi phục nhẹ trong thời gian gần đây và hiện trở lại mức giá trên 19.000 đồng/cổ phiếu.
Những diễn biến của CLG và BCI cũng là chu kỳ chung của nhiều cổ phiếu bất động sản khác. Cụ thể, từ giữa tháng 5 đến nay, CCL của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Dầu khí Cửu Long đã phục hồi từ mức 4.000 đồng/cổ phiếu lên 5.500 đồng/cổ phiếu; ASM của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sao Mai tỉnh An Giang đã tăng từ 7.200 đồng/cổ phiếu lên trên 10.000 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu C21 của Công ty cổ phần Thế kỷ 21 đã tăng từ hơn 16.000 đồng/cổ phiếu lên trên 20.000 đồng/cổ phiếu.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, mặc dù thị trường bất động sản vẫn còn lượng hàng tồn lớn, nhưng đầu năm 2014, thị trường đã bắt đầu có thanh khoản, thay vì đóng băng trong suốt năm 2013. Một số chủ đầu tư thậm chí còn điều chỉnh tăng giá bán, như chủ đầu tư Dự án Golden West (đường Lê Văn Thiêm, Hà Nội) đã điều chỉnh tăng 5% giá bán, Dự án Thăng Long Number One (Hà Nội) đã được điều chỉnh tăng khoảng 2% giá bán. Một số dự án căn hộ được rao bán đã có giá chênh so với giá gốc do chủ đầu tư đưa ra…
Ngoài ra, động thái từ các ngân hàng hiện nay cũng có thể tạo thêm kích thích cho thị trường bất động sản trong thời gian tới. Giữa tháng này, 8 ngân hàng thương mại lớn đã ký kết thỏa thuận triển khai sản phẩm tín dụng liên kết bốn nhà (ngân hàng - chủ đầu tư - nhà thầu - nhà cung cấp vật liệu).
Ngay sau khi ký thỏa thuận hợp tác, các ngân hàng đã khởi động 4 chuỗi liên kết trong lĩnh vực xây dựng và giao thông với tổng mức đầu tư 7.778 tỷ đồng. Các ngân hàng tham gia đã cam kết hỗ trợ tín dụng cho các chủ thể tham gia dự án với tổng số tiền là 6.149 tỷ đồng.
Ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc BIDV cho biết, BIDV đã xây dựng và hoàn thiện quy định, quy trình nội bộ, đảm bảo việc phối hợp triển khai giữa các chi nhánh BIDV và giữa BIDV với các ngân hàng bạn.
Theo đánh giá của đại diện Ngân hàng Nhà nước, việc triển khai sản phẩm này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn bất động sản, hàng tồn vật liệu xây dựng. Ngoài ra, việc hợp tác giữa các tổ chức tín dụng cũng giúp kiểm soát dòng tiền tốt hơn, đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích, giảm thiểu cung ứng tín dụng trùng lắp, giảm nợ xấu trong hoạt động ngân hàng.
Theo ĐTCK