Thành bại tại blu
Khi thị trường tăng ồ ạt trên diện rộng, blue chip (thường được gọi tắt là blu) không được chú ý nhiều do thua kém về sức bật so với một số mã “hàng nóng”.
Nhưng vào những giai đoạn rủi ro như từ đầu tháng 5 tới nay, blu đã lấy lại vị thế quan trọng của mình.
Blu được xem là chỉ báo của thị trường trong thời gian vừa qua, BVH là một trong những blu tiêu biểu nhất. Biến động của BVH biểu đạt gần như đầy đủ các cung bậc của thị trường, nhiều khi có phần hơi quá, vừa tạo ra những rủi ro nhưng xen kẽ là không ít cơ hội.
Ngày 6-5, CP này giảm về mức giá 33.000 đồng/CP, so với mức giá đỉnh hơn 50.000 đồng/CP tỷ lệ giảm đã vào khoảng 35%. Sang đến phiên 7-5, BVH đã tăng trần trở lại lên 36.000 đồng/CP và có lẽ những ai bắt đáy CP này vào hôm trước đã nghĩ ra những viễn cảnh tích cực cho CP này.
Nhưng thật nghiệt ngã khi BVH lại “đo sàn” trong phiên tiếp theo 8-5 xuống còn 33.500 đồng/CP, đó cũng là phiên VN Index giảm 33 điểm, sâu nhất trong lịch sử và tất nhiên cũng thay đổi luôn cảm xúc của những người đang nắm giữ. Những phiên sau đó cũng tương tự khi BVH “đồng biến” với thị trường.
Ngày 13-5, BVH lại quay về mốc 33.000 đồng nhưng đến 16-5 (tức T+3) CP này lại tăng đến 37.000 đồng/CP, những ai bắt đáy và bán đúng đỉnh cũng có thể lãi khoảng 10%. Biến động nhiều, rủi ro lớn nhưng rõ ràng BVH có tạo ra cơ hội.
Trường hợp của GAS lại có đôi chút khác biệt. Phiên 16-5, VN Index tăng 5,44 điểm, tương ứng 1,04% lên 529,49 điểm, điểm số này còn có thể cao hơn nữa nếu GAS có “giá vàng” (tham chiếu). Nhưng khá đáng tiếc là trong một phiên thị trường tương đối tích cực như phiên 16-5, GAS lại giảm 1.000 đồng/CP. Điều này chứng tỏ sự khắc nghiệt trong việc chọn lựa CP, không chỉ chọn đúng nhóm, mà phải đúng cả mã CK vì sự phân hóa đang rất rõ ràng.
Blu có thể là chỉ báo cho thị trường, nhưng mỗi blu cũng có riêng những câu chuyện của mình và nếu nó gây tác động quá lớn, sự đồng biến với thị trường cũng mất. Lấy thí dụ như trường hợp của một blu rất được NĐTNN ưa thích nhưng lại giảm mạnh trong thời gian vừa qua.
Nguyên do, theo một số NĐT dày dạn kinh nghiệm, là vì CP này đã được mua rất nhiều tại các vùng giá cao, thậm chí có sử dụng thêm margin nên chỉ cần thị trường có dấu hiệu không tích cực là bị bán như phá mã. Càng bán, giá CP càng giảm, có thể khiến hoạt động giải chấp diễn ra “rát” hơn nữa nên triệt tiêu luôn khả năng “bật vọt” của CP này.
Nói về chính sách margin của một số CTCK khi đã có những cách thức tăng đòn bẩy nhiều khi không phải là 5:5 mà là 3:7 (3 vốn 7 margin) đối với các blu. Trong giai đoạn bình thường, tỷ lệ margin cao có thể tạo ra mức lợi nhuận cao, nhưng khi thị trường xấu đi tỷ lệ này khiến tài sản của NĐT bốc hơi nhanh hơn.
Vậy nên, hoạt động giải chấp tại các blu đáng ngại hơn tại các mã mid cap hoặc penny tăng nóng. Bởi so về quy mô, mid cap và penny có thể giảm 20-30% nhưng có khi không nghiêm trọng bằng blu giảm 10%. Bởi những CP có giá trị vốn hóa lớn, thường ổn định hơn, nên các chính sách về giải chấp cũng có thể mềm dẻo hơn, tuy nhiên khi thị trường xấu đi nhanh chóng, giải chấp lại có thể xuất hiện đồng loạt và gây áp lực cực lớn.
Vậy nên, lúc này ngoài việc quan sát và tính toán xem giá của các blu đã giảm sâu đến đâu và có khả năng bật lại hay không, cũng nên tìm hiểu thêm việc các mã này còn có khả năng bị giải chấp hay không. Trong trường hợp này, những mã nào giảm vừa nhanh vừa mạnh thường lại có lợi thế, nếu có giải chấp hay cắt lỗ cũng đã thực hiện nhanh chóng, khi CP không “dính” phải những yếu tố này sẽ gọn gàng hơn và bật dễ hơn.
Một yếu tố cũng cực kỳ quan trọng để tạo ra lợi thế cho các blu hơn là mid cap và penny trong thời điểm hiện nay chính là thanh khoản. Vào thời điểm bình thường hoặc hưng phấn, yếu tố này có thể bị xóa nhòa bởi những phiên tăng nóng, đem lại lợi nhuận khủng của nhóm mid cap hoặc penny, nhưng khi thị trường khó khăn lợi thế thanh khoản của blu là hết sức rõ ràng.
Bởi ngoài việc tìm kiếm cơ hội mua giá rẻ hay lợi nhuận, NĐT hiện nay còn phải tính thêm một đường lùi, tức khi cần có thể bán ra một cách nhanh chóng. Cũng nhờ thanh khoản tốt, nên nếu bắt đáy blu sẽ tạo ra cảm giác an toàn cao hơn mid cap và penny. Trong khi đó, mua vào mid cap và penny lúc này có thể vướng phải một loạt câu hỏi kiểu như “còn bên nào kẹp hàng không”, “giảm mạnh quá không biết có sớm bật lại hay không”… Trong một chừng mực nào đó, có thể ví việc mua vào blu lúc này giống như mua hàng hiệu với giá rẻ.
Phiên 13-5 có thể là xem là phiên “đáy” của TTCK khi đã có lúc VN Index giảm xuống dưới 510 điểm và lực bắt đáy vẫn được duy trì. Vậy nên nhiều ý kiến đã lo ngại về khả năng chốt lời trong phiên 16-5 (tức T+3 của phiên 13-5) nhưng diễn biến trong phiên này lại tương đối khả quan khi VN Index tăng khá và nhiều blu vẫn giữ “giá xanh” (tăng giá).
Điều này có thể diễn giải các NĐT đã chấp nhận mức giá CP hiện nay là hấp dẫn và không quá lo lắng để phải vội vã chốt lãi trong ngắn hạn. Nhiều khả năng sau những phiên “hồi sức” các blu sẽ bước vào giai đoạn đi ngang hoặc điều chỉnh nhẹ để hình thành vùng giá mới, tạo nên xu hướng tích lũy cho thị trường sau những tuần có rất nhiều biến động.
Theo NGỌC TRÚC
Sài gòn Đầu tư tài chính