Khó hiểu cổ phiếu Hoàng Quân
Bất động sản và đầu tư tài chính là 2 trong số 3 lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính của Công ty Cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC). Với thị trường bất động sản và tài chính không mấy khả quan trong những năm gần đây, việc Hoàng Quân vẫn tiếp tục gia tăng vốn chủ sở hữu và tổng tài sản là điều nằm ngoài dự đoán của nhiều người. Mới đây, Hoàng Quân đã công bố phương án tăng vốn điều lệ từ 900 tỉ đồng lên 2.000 tỉ đồng thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu (30 triệu cổ phiếu), phát hành cho nhà đầu tư chiến lược (50 triệu cổ phiếu) và phát hành cấn trừ nợ (30 triệu cổ phiếu).
Tuy nhiên, nhà đầu tư chiến lược mà Hoàng Quân công bố trong đợt phát hành 50 triệu cổ phiếu sắp tới lại chẳng ai xa lạ, đó là các công ty liên kết của Hoàng Quân (chiếm 2/3 tổ chức) gồm Công ty Cổ phần Đầu tư - Xây dựng - Phát triển Nhà Bảo Linh và Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Nhà Bình Thuận (Hoàng Quân sở hữu 32% vốn điều lệ của cả 2 công ty trên).
Ngoài ra, cả 3 chủ nợ của gói 30 triệu cổ phiếu (trị giá 300 tỉ đồng) cũng là các công ty liên kết. Việc phát hành cổ phiếu cấn trừ công nợ cho các công ty liên kết không chỉ xảy ra lần đầu, mà đợt phát hành 18 triệu cổ phiếu năm 2013 cũng có cùng mục đích. Và hai nhà đầu tư liên quan là Công ty Cổ phần Hoàng Quân Mê Kông (Hoàng Quân sở hữu 32%) và Công ty Cổ phần Việt Kiến Trúc (sở hữu 40%).
Một điểm đáng chú ý nữa là giá phát hành cho tất cả các đợt trên, bao gồm cả phát hành cổ phiếu cấn trừ công nợ, đều cao hơn thị giá của cổ phiếu HQC tại thời điểm công bố thông tin. Nếu như không có mối quan hệ đặc biệt giữa các công ty liên kết với nhau, có lẽ các chủ nợ của Hoàng Quân khó có thể đồng ý việc cấn trừ nợ theo cách như vậy. Dù Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trương Anh Tuấn có giải thích “thị giá cổ phiếu là câu chuyện của thị trường”, nhưng lời giải thích này vẫn chưa thỏa đáng.
Điểm lại tình hình giao dịch cổ phiếu HQC trong tháng 7 vừa qua có thể thấy, cả 2 công ty Hoàng Quân Mê Kông và Việt Kiến Trúc đều đã bán hết số cổ phần cấn trừ nợ tổng cộng 18 triệu cổ phiếu ra thị trường, nhưng là bán lỗ (cấn nợ bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, trong khi giá bán là trên dưới 8.000 đồng/cổ phiếu). Cũng may, cả 2 công ty trên đều chọn thời điểm bán khá tốt trong khoảng thời gian từ ngày 17-21.7.2014 với giá đóng cửa dao động từ 8.100-8.300 đồng/cổ phiếu, cao hơn giá đóng cửa bình quân 7.700 đồng tính từ đầu năm đến thời điểm ngày 6.8.2014.
Một câu hỏi được đặt ra là người mua nợ cuối cùng của Hoàng Quân phải chăng là những nhà đầu tư trên thị trường? Và liệu kịch bản cũ có tiếp diễn với số nợ 300 tỉ đồng mới của Hoàng Quân?
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận khách quan rằng ban lãnh đạo Hoàng Quân đã rất nỗ lực trong việc phát triển Công ty. Khi nhận ra cơ hội ở các dự án nhà ở xã hội và nhà ở thu nhập thấp, Hoàng Quân đã nhanh chóng chuyển sang tập trung cho phân khúc này. Một mặt, phân khúc này có tính thanh khoản cao, mặt khác giúp Hoàng Quân tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ giá rẻ từ Chính phủ.
Các dự án khác của Hoàng Quân như Khu Công nghiệp Hàm Kiệm 1, Khu phi thuế quan Trà Vinh và các dự án trường học đều nhận được ưu đãi hoặc hỗ trợ từ Chính phủ. Nó cho thấy 2 mặt tích cực. Thứ nhất, Công ty chịu khó đầu tư vào những dự án Chính phủ đang kêu gọi đầu tư, góp phần phát triển đất nước. Thứ hai, trong khi thị trường còn khó khăn, một số các công ty xây dựng khác phải dừng hoặc giãn thi công thì Hoàng Quân vẫn có dự án để triển khai, kết hợp sự hỗ trợ từ phía Nhà nước về quỹ đất và vốn rẻ. Những điều này cho thấy sự linh hoạt và nhạy bén của Hoàng Quân.
Khối tài sản của Công ty cũng từ đó mà ngày càng gia tăng. Cuối năm 2013, tổng tài sản của Hoàng Quân là 3.140 tỉ đồng và tăng đều đặn đến cuối quý II/2014 lên 3.411 tỉ đồng. Tuy vậy, con số này vẫn chưa tương đồng với lợi nhuận sau thuế 23 tỉ đồng trong năm 2013 và 5,26 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2014 (hệ số lợi nhuận/tài sản ROA tương ứng là 0,73% và 0,15%).
Nửa đầu năm nay, doanh thu của Hoàng Quân giảm mạnh hơn 98% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đáng kể nhất là doanh thu từ kinh doanh bất động sản rơi vào con số âm. Mặc dù hoạt động đầu tư tài chính của Công ty được đánh giá là khá rủi ro khi phần lớn phân bổ vào các công ty liên kết (không phân tán được rủi ro do cùng ngành) và các cổ phiếu chưa niêm yết (không thường xuyên được định giá lại để trích lập dự phòng), nhưng doanh thu từ hoạt động tài chính đã cứu Hoàng Quân một bàn thua trông thấy. Doanh thu từ hoạt động tài chính đã tăng gấp 8 lần lên mức 70,5 tỉ đồng, chủ yếu đến từ lãi vay (phần lớn cho mượn tiền qua lại giữa các công ty liên kết và dự án) và cổ tức. Bên cạnh đó, một khoản doanh thu khá lớn lên đến 24,5 tỉ đồng được hạch toán vào khoản mục doanh thu hoạt động tài chính khác.
Nhận xét một cách khách quan, hoạt động của Hoàng Quân có thể sẽ đơn giản hơn nếu tinh gọn lại cơ cấu tổ chức và hoạt động. Việc một công ty có quá nhiều công ty liên kết có thể kéo theo những hoạt động nhập nhằng, nhất là trong hoạt động cho vay, góp vốn, cấn trừ nợ, khiến cho nhà đầu tư không nắm bắt được chính xác thực trạng của doanh nghiệp. Vừa qua, thông tin Hoàng Quân bị thu hồi dự án ở Cần Thơ cũng là một hồi chuông cảnh báo cho việc đầu tư dàn trải mà thiếu sự kiểm soát.
Đối với những công ty có cấu trúc tài chính phức tạp như Hoàng Quân, nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường khó có thể hiểu hết được đường đi nước bước của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Theo lời khuyên của tỉ phú Warren Buffett, ông chủ Tập đoàn Berkshire Hathaway, nhà đầu tư không nên lựa chọn những công ty mà mình không hiểu. Như vậy, HQC là một trong những mã cổ phiếu được xếp vào dạng “khó hiểu”. Và nhà đầu tư sẽ cần nhiều kiến thức và độ nhạy thị trường nếu muốn đưa HQC vào danh mục đầu tư của mình.
Theo Nhipcaudautu